Thứ ba 12/11/2024 02:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Thừa Thiên – Huế: Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

11:07 | 07/10/2024

(Xây dựng) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân, môi trường xanh, sạch, đẹp… Đến nay, toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện và 80% số xã, thị trấn hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Thừa Thiên – Huế: Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Xây dựng hạ tầng nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hóa Huế.

Hoàn thiện hồ sơ xây dựng nông thôn mới

Ông Lê Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Mục tiêu xây dựng nông thôn mới được xác định là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục. Từ khi bắt tay thực hiện chương trình vào năm 2010, ở tỉnh Thừa Thiên – Huế mới chỉ đạt bình quân 8,5 tiêu chí/xã, điều kiện kinh tế - xã hội vùng nông thôn gặp khó khăn về nhiều mặt. Sau hơn 14 năm thực hiện, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 2 đơn vị cấp huyện có Quyết định công nhận là thị xã Hương Thuỷ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, huyện Phong Điền và thành phố Huế đang hoàn thiện hồ sơ trình các cấp thẩm định. Toàn tỉnh có 75 xã/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 80%, trong đó 71 xã có Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến nay có 8 xã, trong đó 5 xã đã có Quyết định công nhận, 2 xã đang thẩm định và 1 xã đang làm hồ sơ.

Ông Lê Thành Nam cho biết thêm: Mục tiêu trong năm 2024, đối với cấp huyện, tập trung hoàn thành hồ sơ thị xã Hương Trà để công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trình hồ sơ để Trung ương thẩm định huyện Phong Điền đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Huế hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đối với cấp xã, phấn đấu hoàn thành công tác thẩm định năm 2023, đối với xã nông thôn mới Bình Thành (thị xã Hương Trà) và các xã nông thôn mới nâng cao Quảng Phú (huyện Quảng Điền) và Vinh Hưng (huyện Phú Lộc). Tập trung xây dựng hoàn thiện hồ sơ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024, với ít nhất 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có ít nhất 5 xã và xã Hương Xuân (thị xã Hương Trà) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí của giai đoạn trước, tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Huyện A Lưới cần tập trung xây dựng thôn khó khăn đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Tập trung triển khai các chương trình, chuyên đề và các mô hình thí điểm theo chỉ đạo của Trung ương. Tập trung công tác giải ngân vốn sự nghiệp của các chương trình chuyên đề và vốn điều chỉnh đã được phân bổ.

Để thực hiện tốt kế hoạch năm 2024, đề nghị các Văn phòng Điều phối nông thôn mới các huyện, thị xã, thành phố Huế tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể đến từng tiêu chí, phân công trách nhiệm hoàn thành tiêu chí cho từng cá nhân trong triển khai thực hiện.

Nâng cao chất lượng các tiêu chí

Ông Lê Thành Nam nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất, tỉnh tiếp tục nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hóa Huế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tập trung xây dựng các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Rà soát xây dựng các tiêu chí thiếu hụt của các xã đạt chuẩn nông thôn mới so với bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, các điều kiện đạt chuẩn…

Thừa Thiên – Huế: Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 75 xã/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 80%, trong đó 71 xã có Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Nguyễn Dũng ở huyện Phong Điền cho biết: Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, đến này diện mạo nông thôn khởi sắc rõ nét, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch và kết nối với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các khu vực. Các vùng nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng cao. Các lĩnh vực giao thông, điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng đầy đủ. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển nhanh và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận tri thức mới, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao... tiếp tục phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được quan tâm.

Trao đổi với ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An (huyện Phong Điền) cho biết: Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, các cấp chính quyền tiếp tục triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Ngày 4/9/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ký Quyết định về việc công nhận xã Phong An (huyện Phong Điền) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Theo ông Trần Công Phước, từ khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Phong An (huyện Phong Điền) đã xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa 100% đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Hệ thống giao thông, các tuyến đường liên thôn, xóm đã có biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, cây xanh, gờ giảm tốc... Tỷ lệ đường ngõ, xóm được cứng hóa đạt 100% nên không còn lầy lội vào mùa mưa, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng nông sản của người dân. Các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… cũng được đầu tư xây dựng, cải tạo kiên cố, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của người dân địa phương thuận tiện… Theo Nghị quyết của Huyện ủy và HĐND huyện, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Phong An lần thứ VIII nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ xây dựng xã Phong An phát triển toàn diện và trở thành “phường” trong năm 2025, theo Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên – Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Ông Lê Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng so với nhu cầu của các địa phương. Bộ tiêu chí nông thôn mới có nhiều quy định mới và yêu cầu khá cao so với năng lực của nhiều địa phương. Một số tiêu chí, chỉ tiêu nhiều địa phương đang còn vướng mắc... Muốn đầu tư để đạt các tiêu chí phải cần nguồn kinh phí lớn, trong khi đó hiệu quả sử dụng chưa cao nên khó khăn khi đầu tư.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load