(Xây dựng) - Với phương châm đích đến trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng là liên tục cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân, do đó, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc đã được các cấp ủy, cấp chính quyền địa phương nhận thức sâu sắc trong công tác chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Người dân huyện Dạ Teh phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. |
Thời gian qua, bộ mặt nông thôn ở Lâm Đồng tiếp tục có những khởi sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã công nhận 34 xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, 14 xã NTM kiểu mẫu. Đến hết năm 2024, Lâm Đồng sẽ có 111/111 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100% Nghị quyết số 81/NQ-HĐND tỉnh giao); có 41 xã NTM nâng cao, 16 xã NTM kiểu mẫu; 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến năm 2025, Lâm Đồng có 47 xã NTM nâng cao, 17 xã NTM kiểu mẫu, 6/10 huyện NTM, đưa Đơn Dương trở thành huyện NTM nâng cao, cũng là huyện NTM kiểu mẫu.
Thời gian qua, các huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM ở Lâm Đồng tiếp tục được quan tâm đầu tư, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, tiến tới các tiêu chí cao hơn.
Hệ thống các cơ chế, chính sách trong thực hiện chương trình được bổ sung hoàn thiện, giải quyết cơ bản các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chí góp phần hoàn thành mục tiêu Lâm Đồng về đích NTM trước năm 2025.
Tính đến thời điểm 29/2/2024, toàn tỉnh có 109 xã được công nhận xã NTM (chiếm 98,2%); 34 xã NTM nâng cao (chiếm 30,6%); 07 xã NTM kiểu mẫu (chiếm 6,3%); 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, nguồn lực huy động để xây dựng NTM tiếp tục được đa dạng hóa, cùng với vốn ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn tín dụng, vốn đóng góp của người dân, vốn doanh nghiệp tiếp tục được huy động cho xây dựng NTM.
Việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn đảm bảo theo quy định, ưu tiên cho các xã khó khăn, các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM theo kế hoạch giao; không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM; chỉ đạo quyết liệt trong công tác tham mưu phân bổ và giải ngân vốn thuộc Chương trình. Theo đó, năm 2024, ngân sách phân bổ xây dựng NTM cho Lâm Đồng hơn 420 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân gần 260 tỷ đồng, ước giải ngân đến hết năm 2024 đạt hơn 375 tỷ đồng, đạt 88,6% kế hoạch.
Để hoàn thành các mục tiêu hướng đến xây dựng NTM thông minh hiện đại, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Các xã, huyện đã đạt chuẩn cần tiếp tục duy trì và nâng cao những kết quả đạt được, hướng tới xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng NTM thông minh. Trong tiến trình xây dựng NTM, tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng NTM thông minh là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; phát triển xã hội số trong xây dựng NTM”.
Phát triển nông nghiệp sạch như trồng dưa leo tại Dạ The. |
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM toàn tỉnh trong vài năm gần đây đã tạo những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Cụ thể trong gần 3 năm qua, toàn tỉnh trồng mới 12.123ha các loại cây trồng, tái canh cải tạo 5.349ha cà phê, 1.368ha điều; chuyển đổi cây trồng trên đất lúa 752ha; chuyển đổi cây trồng khác 3.624ha. Thống kê đến giữa năm 2023, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ đạt trên 63.896ha, tăng 788ha so với cùng kỳ năm 2021. Mô hình kinh tế tập thể đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 4 Liên hiệp hợp tác xã (HTX) với 25 HTX thành viên; 392 HTX nông nghiệp với 8.479 thành viên, tăng 25 HTX so với năm 2021.
“Hiện nay, Liên hiệp HTX, HTX đang phát huy vai trò kết nối, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Các tổ hợp tác hoạt động theo phương thức cùng nhau sản xuất một chủng loại sản phẩm, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản; hỗ trợ giúp nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.
Theo Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh, từ khi thành lập đến nay, HTX đã hình thành được chuỗi giá trị cung cấp khép kín các sản phẩm sầu riêng và bưởi da xanh ra thị trường. Đời sống của các thành viên HTX đã được nâng lên, trong đó có một hộ là tỷ phú (thu nhập bình quân đạt gần 4 tỷ đồng/năm), 12 hộ giàu (thu nhật đạt từ 900 - 1,2 tỷ đồng/năm), còn lại là hộ khá. 100% thành viên đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Bà Nguyễn Thị Tường Vy, tại thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) hồ hởi chia sẻ: từ khi thành lập đến nay, HTX đã hình thành được chuỗi giá trị cung cấp khép kín các sản phẩm nông sản của bà con chúng tôi ra thị trường. Đời sống của các thành viên HTX như chúng tôi đã được nâng lên đáng kể. Và khi vào HTX chúng tôi đều được hướng dẫn canh tác các sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn, định hướng sản xuất sản phẩm hữu cơ, an toàn và thân thiện với môi trường.
Định hướng trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung thành phần Đề án xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Thực hiện các quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thủy lợi, nước sạch; hạ tầng điện nông thôn; nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình; tập trung thực hiện cải thiện cảnh quan, môi trường nông thôn, tạo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trong khu vực và một số thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…
Mộc Miên
Theo