(Xây dựng) - Nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo A Lưới (Thừa Thiên – Huế) giai đoạn 2021 - 2025 rất lớn. Toàn huyện có 2.184 hộ thuộc diện được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, với kinh phí hơn 114 tỷ đồng.
Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất đề án tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện A Lưới. |
Theo lãnh đạo huyện A Lưới, căn cứ Thông tư số 01 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, qua rà soát trên địa bàn huyện A Lưới có 2.184 hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, trong đó số hộ xây dựng mới 1.623, số hộ sửa chữa 561 hộ.
Nhằm triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, việc trình HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành Nghị quyết “Quy định định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện A Lưới từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022-2025" là rất cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật. Với tổng kinh phí dự kiến hơn 114 tỷ đồng.
Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế chủ trì xây dựng đề án bám sát các quy định hiện hành của Trung ương, tình hình thực tiễn tại địa phương và tiếp thu ý kiến tham gia của Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND huyện A Lưới và các đơn vị liên quan để hoàn thiện đề án trình HĐND tỉnh.
Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với đề án do UBND tỉnh đề xuất: Đề án tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện A Lưới với khoảng 2.184 hộ, trong đó hỗ trợ xây dựng mới 1.623 hộ, sửa chữa 561 hộ. Ban Kinh tế - Ngân sách nhận thấy, đối tượng và phạm vi hưởng chính sách đảm bảo theo quy định Chính phủ. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện A Lưới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các đối tượng thụ hưởng chính sách để tránh chồng chéo giữa các nguồn vốn, chương trình, nguồn huy động xã hội hóa.
Phương án lựa chọn của các địa phương, người dân, UBND tỉnh đề xuất phương án xây mới nhà mẫu được thiết kế, với kinh phí 60 triệu đồng, sửa chữa là 40 triệu đồng. Trên cơ sở cân đối nguồn lực ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đối với xây mới, 20 triệu đối với sửa chữa, ngân sách địa phương và nguồn huy động khác sẽ hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/nhà xây mới, 20 triệu đồng/nhà sửa chữa.
Tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ là 114,210 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 76,14 tỷ đồng, ngân sách địa phương và nguồn đóng góp huy động khác là 38,07 tỷ đồng.
Ban Kinh tế - Ngân sách cho rằng, kinh phí thực hiện chính sách cơ bản đảm bảo khả năng cân đối ngân sách địa phương và bố trí thực hiện trong năm 2023. Với nguồn kinh phí và số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo rất lớn, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có giải pháp để thực hiện có hiệu quả chính sách, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.
Trí Đức
Theo