Thứ ba 30/04/2024 01:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo

14:37 | 13/04/2024

Thủ tướng kêu gọi cả nước cùng chung tay, mọi người dân, doanh nghiệp "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít", để xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, vì mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu tham dự lễ phát động - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 13/4, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025.

Ngay sau đó, Thủ tướng và các đại biểu đã đi thăm, động viên, tặng quà, dự khởi công xây nhà mới cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đà Bắc, đồng thời kiểm tra việc triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thực tế.

Lễ phát động do Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự Lễ phát động có Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức, doanh nghiệp, nhà tài trợ trong cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là sự kiện quan trọng có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc trong không khí cả nước đang thi đua sôi nổi hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Thời gian qua, với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ nhà ở cụ thể, đặc biệt là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2011 đến nay, ngân sách nhà nước và xã hội hóa đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 820.000 hộ gia đình người có công, hộ nghèo trong cả nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà ở đại đoàn kết cho 670.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, theo rà soát của các bộ, ngành, địa phương, số hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở là trên 315.000 hộ; các địa phương đang nỗ lực triển khai để đến hết năm 2025 hỗ trợ nhà ở cho khoảng 145.000 hộ nghèo, cận nghèo (theo chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Lễ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ngày 10/8/2023, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã quyết định phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025 và ngay sau đó là sự chuẩn bị khẩn trương của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương và các bộ, ngành, địa phương.

Xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 76 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), đất nước ta đã và đang phát động nhiều phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, cổ vũ động viên nhân dân cả nước, khơi dậy lòng yêu nước thương dân, ý chí tự lực, tự cường, huy động hiệu quả sức người, sức của, sức mạnh của nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gian khổ, làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thi đua yêu nước đã trở thành truyền thống quý báu, một tài sản vô giá, một nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam ta.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức cho Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước; Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao thư cảm ơn tại Lễ phát động - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam đã trở thành một hình mẫu về xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, phát triển đất nước, khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh. Đặc biệt luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế, phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; có hàng chục triệu hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả; nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Theo Thủ tướng, kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, của toàn quân và toàn dân ta trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc hỗ trợ nhà ở cho gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện trách nhiệm và đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa" và "Thương người như thể thương thân", góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người bị thiên tai, hỏa hoạn, biến đổi khí hậu, cho người nghèo, người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo Trung ương cho 05 tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, huy động nguồn lực lớn của Nhà nước và nhân dân để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như tỉnh Điện Biên đã xóa 5.000 căn, Nghệ An đã xóa trên 5.600 căn; các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp cùng tích cực tiên phong trong xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng…

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 170.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa thuộc đối tượng hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, một bộ phận người dân còn thiếu hạ tầng thiết yếu, các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, điện, phủ sóng truyền thông, y tế, giáo dục...

Thủ tướng nêu rõ: Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/1/2023, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng) "xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu".

Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 42, với mục tiêu là vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước từ nay đến hết năm 2025, với quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Thủ tướng tin tưởng phong trào thi đua cả nước chung tay "xoá nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cao đẹp sẽ nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân với tinh thần toàn dân, toàn diện, chung sức đồng lòng vì người nghèo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Thủ tướng trao kinh phí hỗ trợ làm nhà cho 100 hộ gia đình trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau gần 80 năm đất nước giành độc lập, gần 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta với hệ thống chính sách an sinh xã hội đa tầng, bao phủ và toàn diện, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, trong đó có nhà ở, nên hầu hết các hộ dân đã có nhà ở kiên cố, an toàn.

Tuy nhiên, còn một bộ phận hộ nghèo, bị tác động tiêu cực bởi thiên tai, biến đổi khí hậu đang ở trong những căn nhà đơn sơ, tạm bợ không bảo đảm an toàn hoặc chưa có nhà ở, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên các hộ nghèo không có khả năng tự cải thiện nhà ở.

"Để hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, toàn dân cần chung tay có hành động cụ thể để giải quyết dứt điểm nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có khó khăn về nhà ở để toàn dân được hưởng thành quả của độc lập tự do, thành quả của quá trình đổi mới với tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, phải quan tâm, chăm lo tốt nhất đến những vấn đề chính sách xã hội cho người dân như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Không màu mè, hình thức vì một mục tiêu

Để tạo khí thế thi đua sôi nổi và triển khai hiệu quả Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp trong cả nước phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, nhất là với người nghèo, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một mục tiêu: Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

Hai phát huy: (1) Phát huy các nguồn lực của nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân; (2) Phát huy truyền thống, văn hóa, tinh hoa tốt đẹp của dân tộc về tinh thần tương thân tương ái "là lành đùm lá rách", "lá rách đùm lá rách hơn" để có đủ nguồn lực thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Ba bảo đảm: (1) Bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để thực hiện chương trình; (2) Bảo đảm không hình thức, màu mè, công trình phải có chất lượng và đúng đối tượng thụ hưởng; 3) Bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, công khai minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Về huy động nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực, có tính toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương sẽ dành nguồn vốn ngân sách theo các Chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người dân, nhất là 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra.

"Kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Thủ tướng tham gia khởi công xây nhà mới cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia, chung tay, đóng góp, hưởng ứng Phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát bằng nhiều cách khác nhau trong điều kiện có thể cao nhất. Tất cả các chủ thể có liên quan, chủ thể đóng góp, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, phát huy hết khả năng, tâm huyết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, linh hoạt để chung tay, góp sức tạo phong trào sâu rộng, thực chất, hiệu quả thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Về tổ chức thực hiện, các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ người dân có công ăn, việc làm, sinh kế, không chỉ thoát nghèo và tiến tới có cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn. Tiếp tục rà soát, đánh giá, thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình. Nghiên cứu thành lập Quỹ chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước; có tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phù hợp, có hiệu quả.

"Tôi yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu, phát huy cao nhất trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần "Cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Thực hiện các công việc một cách chủ động, tích cực, hiệu quả, linh hoạt, không màu mè, hình thức, không trông chờ, ỷ lại, không đùn đẩy trách nhiệm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tác động tiêu cực do thiên tai, biến đổi khí hậu, không để ai lại phía sau. Các cơ quan báo chí, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với các chính sách an sinh xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo
Thủ tướng động viên, tặng quà, tham gia khởi công xây nhà mới cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp nhận 337 tỷ đồng ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát

Tại sự kiện, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, thay mặt Đoàn Chủ tịch gửi lời kêu gọi tới các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, tập thể, cá nhân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng phong trào thi đua cả nươc chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệt liệt hưởng ứng nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Với thông điệp "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc"; tha thiết kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài chung tay, góp sức, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều.

Mức phấn đấu chung là: Cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mỗi người góp ít nhất mỗi năm một ngày lương; công nhân, người lao động mỗi năm giúp ít nhất một ngày thu nhập; đoàn viên, hội viên, thanh niên, thiếu niên tiết kiệm để giúp đỡ ít nhất 50.000 đồng; mỗi hộ gia đình có mức sống từ trung bình trở lên ủng hộ ít nhất 100.000 đồng.

Ngay tại buổi lễ, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hưởng ứng phong trào với tổng số kinh phí tiếp nhận ủng hộ là 337 tỷ đồng, đủ để xây dựng 6.720 căn nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở. Trong đó, Công ty Cổ phần tập đoàn SOVICO ủng hộ 100 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Thương Tín ủng hộ 100 tỷ đồng...

Ban vận động quyết định phân bổ đợt một, ưu tiên cho 40 tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao, có số lượng lớn nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ. Trong đó, 24 địa phương được hỗ trợ mức 10 tỷ đồng và 16 địa phương được hỗ trợ mức 05 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trao kinh phí hỗ trợ các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái mỗi địa phương 10 tỷ đồng. Đồng thời trao kinh phí hỗ trợ làm nhà cho 100 hộ gia đình trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng.

Ngay sau lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ ngành và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã đi thăm, động viên, tặng quà, tham gia khởi công xây nhà mới cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, đồng thời kiểm tra việc triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thực tế.

Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, động viên, tặng quà và tham gia khởi công xây dựng nhà mới cho hộ gia đình ông Xa Văn Vọng, xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. Đây là hộ gia đình nghèo với 5 nhân khẩu người dân tộc Tày, người vợ bị bệnh ung thư, không có nhà phải đi ở nhờ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tiếp tục quan tâm, vận động, huy động người dân trong thôn, xã cùng nhau đóng góp, xây dựng nhà cho các gia đình; các gia đình cũng cố gắng cao nhất cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng và người thân, bà con thôn xóm. Qua đó, vừa thắt chặt đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm; vừa giúp các gia đình có nơi ở mới khang trang hơn, vươn lên trong cuộc sống./.

Theo Hà Văn/BaoChinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load