Anh Phương đang viết thư pháp tại nhà trọ.
Đến thăm căn phòng thuê trọ của Phương (ở tổ 25, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn) mới thấy hết cái nghị lực của một sinh viên nghèo, yêu nghệ thuật. Trong căn phòng chật chội, nóng như than hầm, Phương đã “sáng tác” hàng trăm bức thư pháp, với những câu thơ, danh ngôn của các bậc hiền triết. Rất dễ nhận thấy chữ Hiếu anh viết khá nhiều và thể hiện khá đẹp trong những câu thơ như: Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trời lồng lộng, không phủ kín công cha hoặc là “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra… để rồi vào giờ nghỉ học, anh mang ra đường bày bán lấy tiền chi trả tiền phòng, tiền cơm... Chất riêng trong bút pháp của Phương chính là cái hồn, tình yêu quê hương xứ sở, với “công cha, nghĩa mẹ”, uống nước nhớ nguồn... Nhờ cần cù, chịu khó, mỗi tháng anh thu nhập từ thư pháp khoảng 300 - 500 nghìn đồng.
Anh Phương đang bày bán thư pháp ven đường...
Quê Phương là vùng đất cách mạng, qua hai cuộc đấu tranh giữ nước, bao lớp người đã ngã xuống trên mảnh đất này để dựng xây độc lập, tự do. Anh cất công sưu tầm những câu thơ, hò, vè để “phổ” những câu ca dao, tục ngữ, những chiến công vang dội của những người nông dân áo vải, cầm súng đánh ngoại xâm, với mong muốn những câu thơ này được giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên biết đến một vùng quê nghèo khó nhưng giàu lòng yêu nước, yêu cách mạng, yêu đồng bào.
Với “bút pháp” của một sinh viên nên nét bút còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, khách hàng của anh đa phần là sinh viên, học sinh, phụ huynh… thấy tình cảnh của một học trò nghèo nên họ sẵn lòng mua giúp. Khi bày thư pháp bán trên vỉa hè, anh mang theo viết, mực… để viết ngay thư pháp trên giấy cho khách về các chủ đề như: mừng sinh nhật, mừng nhà mới, mừng thọ, chúc Tết… đáp ứng yêu cầu của mọi người.
Mỹ Nữ
Theo baoxaydung.com.vn