Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu với hơn 58,4 tỷ USD, tiếp theo là Bình Dương và Hà Nội.
Sản xuất tấm tế bào quang điện tại nhà máy Trina Solar- tập đoàn lớn trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc tại tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Trần Việt/ TTXVN) |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 147 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư tại Việt Nam với 41.720 dự án, tổng vốn đăng ký 496,7 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với hơn 58,4 tỷ USD, tiếp theo là Bình Dương với gần 42,4 tỷ USD và Hà Nội với gần 42,2 tỷ USD.
Từ điểm sáng Bình Dương
Theo thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 11/2024, vượt qua Hà Nội, bất ngờ Bình Dương đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thời gian qua, Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Từ đầu năm đến ngày 30/11/2024, tỉnh đã thu hút hơn 1,8 tỷ USD (vượt chỉ tiêu năm 2024) với 184 dự án đầu tư mới, 149 dự án điều chỉnh tăng vốn và 121 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần.
Ngoài ra, lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh về thu hút vốn đầu tư FDI với 4.378 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42,39 tỷ USD.
Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỷ lệ thuê đất tại các khu công nghiệp của tỉnh này đạt trên 93%. Nhiều dự án có quy mô lớn như dự án sản xuất đồ chơi của Công ty Lego (Đan Mạch) với vốn đầu tư đăng ký mới là 1,3 tỷ USD, 2 dự án kinh doanh bất động sản công nghiệp của Công ty trách nhiệm hữu hạn BW với vốn đầu tư đăng ký là 237 triệu USD đều bị “hút” về Bình Dương.
Công nhân làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN) |
Lý giải về kết quả ấn tượng này, ông Nguyễn Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu Bình Dương cho biết để trở thành một địa phương luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, luôn dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Dương đã nỗ lực không ngừng nghỉ cùng những cách làm mới, quyết liệt trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đi đúng hướng, được cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Bình Dương liên tục đổi mới, triển khai các giải pháp thu hút đầu tư phù hợp với đặc thù của địa phương. Cụ thể, tỉnh thực hiện chiến lược thu hút vốn FDI thời kỳ mới là không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải chọn lọc theo ngành nghề, quy mô, công nghệ và vị trí, đảm bảo bám sát định hướng của quy hoạch tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, ngành nghề khác phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, Bình Dương nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhất là các dự án bất động sản.
Đồng thời, triển khai các giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng; hỗ trợ tiếp cận vốn vay; các chương trình, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới.
Song song đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư công, đưa vào sử dụng dự án quan trọng, công trình trọng điểm mang tính đột phá giúp cộng hưởng sức mạnh kinh tế chung, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng liên kết vùng cho các thành phần kinh tế.
Với chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, Bình Dương đang hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung và trung tâm dữ liệu, nhằm thu hút đầu tư vào các sản phẩm điện tử, công nghiệp vi mạch bán dẫn, IoT, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng; góp phần hình thành một vùng động lực công nghệ cao kết nối với các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hiện tại, Bình Dương đã có 6 khu công nghiệp đang áp dụng nền tảng quản trị và điều hành thông minh của Tổng Công ty Becamex IDC. Với các công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và mạng 5G, giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu theo thời gian thực, tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nguồn lực và giảm tác động đến môi trường.
Đến quốc gia đầu tư ổn định
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến 30/11/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Cả nước có 41.720 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 496,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 318,9 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Hiện tại, có 147 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam; trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 89,1 tỷ USD (chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư), Singapore gần 82,3 tỷ USD (16,6%), tiếp theo là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc).
Hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp có vốn FDI ở Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Tính theo ngành, 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân có vốn FDI; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 299,8 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư.
Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 72,5 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư; sản xuất, phân phối điện với gần 41,7 tỷ USD, chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng năm 2024, tổng FDI đăng ký tiếp tục tăng nhẹ (1%) so với cùng kỳ. Vốn đầu tư mới và điều chỉnh đều tăng cả về số lượng dự án mới/lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như vốn đầu tư mới/tăng thêm.
Tính riêng tháng 11/2024, tổng lượng vốn đầu tư khá lớn so với các tháng trong năm với gần 4,12 tỷ USD2, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư của 11 tháng qua.
Vốn FDI tập trung nhiều vào các địa phương có nhiều lợi thế, có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang.
Chỉ tính riêng 10 địa phương này đã chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng năm 2024.
Các đối tác đầu tư lớn nhất thời gian qua đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu là Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản đã chiếm tới gần 73% số dự án đầu tư mới và hơn 77% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Theo các chuyên gia đầu tư, dòng vốn FDI tăng chính là phản ứng của nhà đầu tư trước một thị trường nội địa đang tăng trưởng, là một điểm sáng của nền kinh tế. Đó cũng là dấu hiệu tích cực cho năm tiếp theo trong việc tìm kiếm cơ hội để thu hút đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Chính phủ luôn quyết liệt hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng.
Đặc biệt, Việt Nam rất quyết tâm trong thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao. Để thúc đẩy, Việt Nam đã và đang xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao; trong đó, có việc áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt.
Ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với FDI.
Dự kiến của Cục Đầu tư nước ngoài, đến hết năm 2024, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định.
Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Đây sẽ là bước đột phá mới trong việc giữ ổn định nguồn FDI hiện có và tạo hành lang rộng mở cho việc thu hút các nguồn FDI trong tương lai./.
Theo Nguyễn Văn Việt/(TTXVN/Vietnam+)