(Xây dựng) - Xung quanh bài toán phát triển nguồn thu, Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng chia sẻ với phóng viên Báo Công luận trên diễn đàn Kinh tế báo chí nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Cách mạng Báo chí Việt Nam rằng: Dù có lợi thế là một tờ báo ngành, nhưng với mong muốn tài chính cơ quan được bền vững, đảm bảo ổn định đời sống cho phóng viên, nhân viên, tờ báo ngày càng chủ động tìm kiếm những cách thức phát triển nguồn thu đa dạng và hiệu quả.
Nhà báo Nguyễn Anh Dũng cùng Tổng Giám đốc Báo Tin tức & Kỹ thuật Nhật Bản đi thực tế trên một công trường xây dựng Nhật Bản năm 2017. |
Nhà báo Nguyễn Anh Dũng chia sẻ: Việc Nhà nước chủ trương xóa bỏ bao cấp và giao quyền tự chủ cho các tòa soạn báo trong giai đoạn hiện nay theo tôi là rất đúng. Chúng ta cần xác định rõ thông tin trên trang báo giống như một thứ hàng hóa đặc biệt. Thông tin hay, thông tin độc, thông tin hữu ích thì sẽ thu hút nhiều độc giả. Càng đông độc giả thì thương hiệu của tờ báo càng cao. Thương hiệu tờ báo càng cao thì bạn hàng thuê các trang báo để tuyên truyền, quảng cáo sản phẩm càng đông. Chúng tôi đã tự chủ cân đối thu, chi trong mọi hoạt động của tòa soạn trên 10 năm nay rồi. Rất ít khi chúng tôi chậm lương và các chế độ đãi ngộ cho gần 100 cán bộ, phóng viên trong tòa soạn.
Tất nhiên, Báo Xây dựng có lợi thế là cơ quan ngôn luận của Bộ chuyên ngành thực hiện quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực: Quy hoạch - Kiến trúc; Phát triển đô thị; Quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng; Xây dựng hạ tầng nông thôn mới; Sản xuất vật liệu xây dựng; Thị trường bất động sản; Đào tạo nguồn nhân lực xây dựng...
Nhưng để tận dụng được những lợi thế ấy cũng cần có những chiến lược dài hơi và bài bản. Chúng tôi luôn xác định rằng, thông tin về mỗi lĩnh vực mà Bộ Xây dựng đang quản lý nêu trên đều có thể trở thành một chuyên đề báo chí lớn được đông đảo bạn đọc quan tâm, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền các cấp, sinh viên trong hệ thống đào tạo chuyên ngành Xây dựng, công nhân đang lao động tại các công trường xây dựng, nhân dân đang có nhu cầu về nhà ở...
Từ nhận thức này, Ban Biên tập Báo Xây dựng đã chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các phòng. Thứ nhất, ngoài việc theo dõi hoạt động điều hành của Bộ trưởng, các Thứ trường phải thường xuyên, liên tục bám sát đưa tin hoạt động của các Cục, Vụ trong Bộ. Đây là những đơn vị tham mưu cho Bộ tổng hợp, điều chỉnh chính sách tại các địa phương. Các đề tài "nóng" như điều chỉnh quy hoạch xây dựng; quản lý trật tự xây dựng; quản lý vật liệu xây dựng… từ nguồn cung cấp này đã tạo chỗ đứng tốt cho Báo Xây dựng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật xây dựng đối với nhân dân. Báo đã nhận được nhiều nguồn kinh phí từ "đơn hàng" này.
Thứ hai, là bám sát thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương cũng cần thiết. Do ít phóng viên nên mảng đề tài Báo Xây dựng chỉ tập trung phản ánh ở một số đô thị đang có tốc độ phát triển cao như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh...
Lãnh đạo ở một số địa phương này rất đồng tình với cách đặt vấn đề của Báo Xây dựng là phản ánh những nhân tố điển hình trong việc thực hiện chính sách pháp luật về xây dựng và tìm hiểu sự bất cập của chính sách khi áp dụng vào thực tiễn.
Nhận thấy có hiệu quả nên trong năm 2019 và đầu năm 2020, nhiều tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Dương, Yên Bái, thành phố Hải Phòng, cùng nhiều quận, huyện, xã, phường đã chủ động hỗ trợ việc tuyên truyền cho Báo Xây dựng từ hạng mức ngân sách của địa phương. Đây cũng là một nguồn thu đáng kể, giúp Báo Xây dựng phát triển sự nghiệp.
Thứ ba, là bám sát hoạt động của các hoạt động xây dựng, hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Đối với mảng đề tài này, Ban Biên tập Báo Xây dựng chỉ đạo không nặng vấn đề truyền thông quảng cáo sản phẩm mà tập trung cùng doanh nghiệp nghiên cứu thực tiễn, tháo gỡ chính sách vướng mắc.
Nhiều vấn đề đã được Báo đề cập như điều chỉnh quy hoạch cục bộ trong đồ án xây dựng; Bảo đảm quyền lợi người dân khi mua sản phẩm bất động sản; Giải tỏa, đền bù trong cải tạo chung cư cũ tại các đô thị lớn... Việc đồng hành cùng doanh nghiệp để trở thành nhịp cầu nối doanh nghiệp - Bộ Xây dựng và Chính phủ đã được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hoan nghênh.
Hầu hết các doanh nghiệp lớn có uy tín trong lĩnh vực xây dựng trong nước như: Vingroup, Sungroup, BIM, FLC, Viglacera, HUD, Hòa Bình... đã ký hợp tác truyền thông và chủ động hỗ trợ kinh phí cho Báo Xây dựng. Đây cũng là một nguồn thu lớn của Báo để duy trì sự tồn tại của mình.
Nhà báo Nguyễn Anh Dũng trong vai thủy thủ tàu viễn dương đi tìm hiểu tình hình buôn lậu trên biển tại Singapore năm 1994. |
Không chỉ vậy, Báo Xây dựng còn tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế. 10 năm qua, Báo Xây dựng ký hợp tác quan hệ trao đổi thông tin chuyên ngành với Báo Tin tức & Kỹ thuật Nhật Bản - Một tờ báo chuyên ngành Xây dựng có trên 100 văn phòng khắp nước Nhật cùng lịch sử ra đời và phát triển gần 90 năm. Về sự hợp tác này, hai bên không chuyển nguồn kinh phí cho nhau. Ngoài việc cho đăng tải miễn phí bài viết của phóng viên Báo Xây dựng trao đổi về công nghệ, khoa học xây dựng hai nước, phía Nhật hàng năm hỗ trợ cho Báo Xây dựng đào tạo khoảng 10 phóng viên trẻ tại Nhật. Do có sự hợp tác này, nhiều doanh nghiệp xây dựng của Nhật Bản tại Việt Nam đã chủ động ký hợp đồng truyền thông với Báo Xây dựng đã tạo được một thương hiệu tốt và giá trị kinh tế rất cao không thể đong đếm được.
Thời gian gần đây, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rất tốt trong việc quy hoạch lại các cơ quan báo chí để các tờ báo, Tạp chí "soi lại chính mình". Nhà nước có cần phải hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động cho các tòa soạn không? Theo tôi là rất cần nhưng không phải là nguồn kinh phí cụ thể mà là chính sách thuế; việc đào tạo phóng viên; việc tạo điều kiện vật chất ban đầu cho các tòa soạn thực hiện đúng tôn chỉ đang gặp khó khăn. Với Báo Xây dựng, chúng tôi luôn xác định phải đi trên đôi chân của chính mình phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị Bộ Xây dựng.
HV (Ghi)
Theo