Thứ hai 07/10/2024 15:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng

14:04 | 15/09/2024

Bão số 3 đã khiến 353 người chết, mất tích; khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi.

Thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác kiểm tra tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Báo cáo tại “Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng,” tổ chức sáng 15/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.

Trong số đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ.

Đến nay, đã có 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.

“Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bão đã gây ra tình trạng mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc trên diện rộng cùng lúc, khiến công tác thông tin, liên lạc, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn càng trở nên khó khăn, nặng nề và thách thức hơn.

Đến nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt, hoặc có nguy cơ cao khiến cho thiệt hại còn có thể còn nặng nề hơn.

Thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng
Lực lượng chức năng nỗ lực thông đường trên quốc lộ 3B, thuộc địa phận xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN)

Chỉ ra nguyên nhân thiệt hại do bão số 3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong đó, chủ yếu là do siêu bão số 3 có cường độ mạnh, phạm vi lớn, tính chất phức tạp, chưa từng có tiền lệ; tình trạng mưa lớn kéo dài, xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn.

Nguyên nhân chủ quan là do một bộ phận người dân, doanh nghiệp tại một số nơi còn chủ quan, lơ là, chưa tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, hướng dẫn, cảnh báo của các cơ quan chức năng; kỹ năng ứng phó với thiên tai, bão lũ còn hạn chế; một số chính quyền cấp cơ sở còn thiếu trang thiết bị, triển khai chậm, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó trong các tình huống khẩn cấp; phối hợp thông tin trong một số thời điểm bị gián đoạn…

Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp trên hiện trường của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp…, chúng ta đã hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, nguy cơ có thể xảy ra và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3.

Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau: bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân; hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống Nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất.

Cùng với đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới; có các cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng là khoảng 80.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, riêng tại Quảng Ninh và Hải Phòng có khoảng 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng./.

Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Từ ngày 7/10 sẽ tạm dừng lưu thông đoạn đường trên QL51 để tiến hành sửa chữa

    (Xây dựng) - Mới đây, Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết từ ngày 7/10, sẽ phối hợp với Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạm dừng lưu thông một đoạn dài khoảng 700m trên QL51 để tiến hành sửa chữa.

  • 130 tỷ đồng hỗ trợ Quảng Ngãi xoá nhà tạm, nhà đột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

    (Xây dựng) – Tỉnh Bình Dương hỗ trợ 90 tỷ đồng, Tập đoàn Hoà Phát hỗ trợ 30 tỷ đồng để Quảng Ngãi xoá nhà tạm, nhà đột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

  • Cà Mau: Hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn 3 căn nhà của người dân

    Qua thống kê sơ bộ, vụ cháy thiêu rụi tiệm tạp hóa của bà Trần Hồng Thắm, cơ sở kinh doanh nha khoa của ông Từ Khánh Duy và tiệm thuốc tây của bà Bùi Mỹ Cẩm.

  • Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng: Từ định hướng đến các giải pháp kiến trúc cho công trình

    (Xây dựng) - “Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng cần từ quy hoạch, kiến trúc, tổ hợp công trình xây dựng, đến những công trình xây dựng đơn lẻ. Đó là, sử dụng hiệu quả năng lượng đi đôi với giảm thiểu sử dụng năng lượng không thể tái tạo; giảm phát thải carbon bằng giải pháp sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, công nghệ xây dựng sạch; thúc đẩy sử dụng bền vững và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên theo tinh thần nương nhờ; tạo được môi trường bên trong và bên ngoài an toàn, tiện nghi, bảo vệ sức khỏe cho con người góp phần bảo tồn phát huy văn hóa bản địa và hội nhập tiên tiến trên tinh thần không hòa tan”.

  • Những cống hiến thầm lặng của những người công nhân thoát nước Hải Phòng

    (Xây dựng) - Mỗi khi xuất hiện mưa gió, bão lốc, người người di chuyển tìm nơi trú ẩn thì những người công nhân trong ngành Thoát nước Hải Phòng lại phải bất chấp nguy hiểm lao ra đường ứng trực tại các trạm bơm, cống ngăn triều; vớt rác trên các sông hồ, mương thoát nước; nhặt những chiếc nilong, lá cây, rác thải bị gió, nước mưa cuốn vào các miệng thu thoát nước. Nhiều khi người công nhân còn phải chui vào trong lòng cống để nạo vét gạch đá, bùn đất gây ách tắc dòng chảy để khơi thông cống rãnh... nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm bớt úng ngập và tránh thiệt hại cho người dân.

  • Bình Định: Cần hơn 259 tỷ đồng để thực hiện bố trí di dời cho 1.274 hộ dân vùng thiên tai

    (Xây dựng) – Bình Định sẽ cần hơn 259 tỷ đồng để thực hiện bố trí di dời cho 1.274 hộ dân vùng thiên tai đến ổn định các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2026-2030 theo nguồn vốn đầu tư công trung hạn.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load