(Xây dựng) - Sau thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản cả nước đang rục rịch ấm trở lại nhờ các chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được ban hành.
Khó khăn của thị trường bất động sản đang dần vơi đi. |
Những tín hiệu mới
Nốt trầm của thị trường diễn ra từ nửa cuối năm 2022 khi chứng kiến trạng thái đóng băng, giao dịch gần như bằng 0, thanh khoản yếu. Thực tế, bất chấp nhiều dự báo đề cập tới khả năng đi xuống từ năm 2020, thị trường vẫn giữ được nhịp trong suốt thời gian 2 năm dịch Covid-19. Một trong những nguyên nhân cơ bản là dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường.
Vướng mắc về pháp lý và nguồn vốn là hai khó khăn bủa vây doanh nghiệp bất động sản suốt thời gian qua. Theo đó, việc huy động vốn phát triển dự án của doanh nghiệp không hề dễ dàng khi ngân hàng siết room tín dụng và huy động nguồn lực tài chính từ trái phiếu cũng gian nan hơn.
Nhiều yếu tố bất lợi đã tác động đến thị trường, nguồn cung khan hiếm, dòng tiền suy yếu và niềm tin sụt giảm khiến lượng giao dịch sụt giảm kể từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023.
Ngày 12/9 vừa qua, trong một chia sẻ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường bất động sản đình đốn do nguồn cung hạn chế. Số lượng mở bán dự án trong nửa đầu năm nay rất ít, trong đó lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai chỉ 30 dự án với hơn 4.500 căn hộ, tương đương khoảng 37,5% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, khó khăn của thị trường bất động sản đang dần vơi đi. Trước những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế xã hội nói chung và các giải pháp tháo gỡ, thị trường bất động sản có thể bước vào một giai đoạn phát triển mới. Dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm 2023 và có sự phát triển trở lại trong năm 2024.
Ghi nhận từ thực tế, các chủ đầu tư đang rục rịch chuẩn bị ra hàng tại nhiều địa phương trên cả nước. Điển hình như tại Thanh Hóa, một dự án bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu mở bán từ 16/9 hay một số dự án ở Quảng Ninh, Hải Phòng cũng dự kiến mở bán từ tháng 10/2023. Theo nhận định của giới đầu tư, trong bối cảnh hiện hữu với nhiều thông tin tích cực, đây là thời điểm thích hợp để xuống tiền.
Thông tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, dự báo trong nửa cuối năm 2023 là thời điểm thuận lợi để khách hàng có sẵn dòng tiền đầu tư các sản phẩm bất động sản có nhu cầu ở thực và đầu tư lâu dài. Đặc biệt sản phẩm có vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng giao thông tốt với mức giá hợp lý sẽ hút dòng tiền.
Các yếu tố khơi thông thị trường
Để khơi thông dòng chảy cho thị trường bất động sản đã có nhiều giải pháp được đưa ra trong đó tập trung giải quyết hai nút thắt về pháp lý và về dòng vốn.
Về pháp lý, khi dự thảo Luật sửa đổi đất đai dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023 sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa bổ sung phương pháp thặng dư vào dự thảo sửa đổi Nghị định 44 mới nhất cũng nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.
Nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản trên cả nước được triển khai với kết quả tích cực. Trong đó, Hà Nội đã giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% số lượng dự án gặp khó khăn. Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ được 67 dự án tương đương 37,2% số lượng dự án có vướng mắc. Các địa phương khác cũng đang rốt ráo giải quyết, gỡ khó cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy thị trường phát triển trong thời gian tới cùng kỳ vọng gia tăng nguồn cung.
Về nguồn vốn, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt là yếu tố tích tác động tới thị trường. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2%/năm. Điều này sẽ đem lại động lực lớn cho doanh nghiệp bất động sản với khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Với yếu tố lãi suất giảm, nhà đầu tư có thể chuyển tiền qua đầu tư bất động sản khi thị trường ấm trở lại, đón đầu cơ hội tăng trưởng cho một chu kỳ mới.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối với lĩnh vực bất động sản trong quý II cũng cải thiện đáng kể. Trong tháng 6/2023 có 13 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng với mức lãi cao so với mặt bằng chung 12 - 14%, tăng mạnh so với tháng 5 khi chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng. Mức cải thiện này đánh dấu sự phục hồi lòng tin của các nhà đầu tư đối với loại thị trường này.
Khơi thông dòng vốn là yếu tố cần thiết để bất động sản trở lại mạnh mẽ đồng thời phát triển thị trường bất động sản bền vững. Trong bối cảnh thị trường ấm lên, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở những thị trường có cơ hội tiềm năng tăng trưởng tốt và gần các trung tâm.
Tại phía Bắc, Quảng Ninh là một trong những địa phương có thị trường bất động sản phát triển sôi động, hội tụ nhiều tập đoàn lớn và có nhiều dư địa cho phát triển. Trong đó, thị xã Đông Triều (nằm trong quy hoạch dự kiến sẽ lên thành phố trước năm 2030) đang “lọt mắt xanh” giới đầu tư săn cơ hội đón đầu tăng trưởng ở những địa phương có hạ tầng phát triển, quy hoạch đồng bộ.
Yên Thư
Theo