(Xây dựng) – Tại các thành phố lớn ở Việt Nam cũng như trên thế giới, chính quyền địa phương đã dành một khoản kinh phí không nhỏ để xây dựng hệ thống vạch kẻ đường, đèn tín hiệu, cầu vượt, hầm chui… dành cho người đi bộ, nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, người dân mỗi quốc gia lại có “thói quen” tham gia giao thông khác nhau. Mỗi nước cũng đưa ra những quy định xử phạt khác nhau đối với hành vi vi phạm luật giao thông của người đi bộ, có nơi xử phạt rất nghiêm khắc nhưng cũng có nơi để người đi bộ thoải mái qua đường.
Đường phố Moscow sau khi cải tạo (ảnh: Internet). |
Người đi bộ ở nước ngoài tham gia giao thông như nào?
Tại Nhật Bản, việc đi bộ đã trở thành thói quen của người dân. Bởi, ngoài việc xây dựng một hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, rộng khắp, quốc gia này cũng đặc biệt chú trọng đến vấn đề quy hoạch và thiết kế hạ tầng.
Giao thông ở Nhật rất ưu tiên người đi bộ, tại các giao lộ không có đèn giao thông mà chỉ có vạch đi bộ thì tài xế đi xe ôtô phải dừng xe, để người đi bộ qua đường rồi mới được đi tiếp, điều này được quy định trong luật mà bất cứ ai thi lấy bằng lái cũng đều phải ghi nhớ.
Tại các đô thị lớn, như ở Tokyo, trong khu vực dân cư, đường sá được ưu tiên tuyệt đối cho người đi bộ, còn các phương tiện cơ giới được phép di chuyển nhưng phải ở vận tốc dưới 20km/h. Chính quyền địa phương cũng mở các đường đi bộ không rào chắn, cho phép mở rộng vỉa hè dọc các tuyến đường huyết mạch và đường chính khác. Tùy thuộc không gian đường, một số nơi có vỉa hè đủ rộng để 2 xe lăn di chuyển cùng lúc.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng xây dựng nhiều tuyến đường đi bộ ngầm dưới lòng đất, kết nối các khu vực dân cư đến các nhà ga đồng thời xây dựng cả những tuyến phố thương mại ngầm để tạo thuận tiện cho người đi bộ.
Một trong những khu đi bộ, thương mại gần tàu điện ngầm nổi tiếng nhất thế giới là Shibuya (Tokyo) có tới 10 ngã rẽ và 5 vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Theo thống kê của Trung tâm đường phố Shibuya, mỗi lần đèn xanh bật (khoảng 2 phút), có khoảng 3.000 người băng qua giao lộ này. Thậm chí, trong những ngày bận rộn, nơi đây còn là nơi qua lại của khoảng 500.000 người đi bộ/ngày.
Ở Trung Quốc, việc sang đường không phải lúc nào cũng dễ dàng và an toàn, thậm chí đôi lúc rất mạo hiểm dù đi đúng phần vạch kẻ (theo South China Morning Post).
Cũng giống nhiều nơi khác, các tài xế ở Trung Quốc sẽ giảm tốc độ khi đến gần vạch kẻ cho người đi bộ và dừng lại khi có người sang đường. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng thế. Thậm chí có thời gian người đi bộ không hề trông chờ vào việc các tài xế sẽ để ý tới phần đường đi bộ, chạy chậm và dừng lại. Vì vậy, chiến dịch "ưu tiên vạch kẻ sang đường" được tuyên truyền rộng rãi và các camera giám sát được lắp đặt tại những nơi không có đèn giao thông nhằm ghi hình những tài xế phạm luật.
Tại Pháp, người đi bộ có quyền đi trên phần đường được vạch sẵn. Từ năm 2018, Pháp tiếp tục ban hành một loạt biện pháp mới về an toàn đường bộ và người đi bộ. Trong nghị định mới nêu chi tiết về biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn với người đi bộ, cùng hình phạt nghiêm khắc với các lái xe không tôn trọng quyền ưu tiên của người đi bộ.
Còn tại Nga, dựa trên thực tiễn số liệu thu được và đánh giá toàn cảnh thực trạng của Moscow, các chuyên gia đã đưa ra đề xuất, giải pháp: Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển khu vực trung tâm của thành phố với định hướng dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng; Toàn bộ các điểm đỗ xe ôtô sẽ được chuyển ra vùng phụ cận để người đi ôtô cá nhân sẽ đi xe đạp hoặc phương tiện công cộng để vào trung tâm thành phố; Hạn chế đến mức tối đa việc chạy xe ôtô vào trung tâm; Xử phạt nghiêm minh nếu vi phạm; phủ kín xanh điểm trống và tạo nên các tiểu công viên trong thành phố; nghiêm cấm xây cao ốc tại khu vực trung tâm. Tuy nhiên, giải pháp này không thể thực hiện đồng bộ nên các chuyên gia đã đưa ra lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn. Họ ví thành phố cũng như cơ thể người “cần phải chữa trị một cách từ từ, dứt điểm từng bộ phận” và gọi đây là “liệu pháp châm cứu”.
“Muôn hình” xử phạt vi phạm đối với người đi bộ
Tại Thủ đô Manila của Philippines, mức phạt dành cho những người đi bộ vi phạm luật giao thông là 500 Peso (khoảng hơn 10 USD) hoặc ba tiếng lao động công ích (nếu không có khả năng nộp phạt).
Ở đảo quốc Sư tử Singapore, Luật xử lý người đi bộ vi phạm có hiệu lực từ tháng 7/2004. Theo đó, người đi bộ vượt qua ngã tư mà không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông có thể bị phạt 20 USD. Thậm chí, nếu lặp lại hành vi này, người vi phạm sẽ phải nộp phạt lên tới 2.000 USD và bị ngồi tù nửa năm.
Ở Mỹ, người đi bộ vi phạm luật giao thông chỉ bị phạt hành chính. Trong số các thành phố xứ cờ hoa, Seattle được biết đến là nơi rất nghiêm khắc đối với người đi bộ với mức phạt trung bình khoảng 56 USD. Trong khi đó, mức phạt đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông ở Boston chỉ 1 USD. Chính vì thế, cảnh sát giao thông ở thành phố này thường bỏ qua lỗi cho người dân vì không muốn mất công phạt. Bên cạnh đó, một dự luật cấm người đi bộ sử dụng điện thoại được đưa ra, trong khi bang New York áp dụng điều luật này từ năm 2007. Bang Arkansas thậm chí còn cấm khách bộ hành sử dụng tai nghe vì cho rằng đây là nguyên nhân khiến họ phân tâm, gây ra tai nạn.
Không chỉ điều khiển phương tiện giao thông mới gặp tai nạn mà người đi bộ cũng có thể bị tai nạn và gây tai nạn. Bởi thế, không ngạc nhiên khi nhiều nước đang áp dụng các điều luật giao thông chi tiết hơn với các mức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với những người đi bộ vi phạm luật lệ giao thông.
Tại Hà Nội, người dân vẫn "thản nhiên” đi ngang dưới lòng đường, vượt rào chắn, bất chấp nguy hiểm (ảnh: TL). |
Còn tại Việt Nam, người dân có gặp khó nếu muốn đi bộ? Theo các chuyên gia giao thông, thực trạng thiếu hạ tầng cho người đi bộ hoặc có hạ tầng nhưng hiệu quả không cao, xuất phát trước tiên từ những bất cập trong quy hoạch giao thông đô thị khi người đi bộ dường như đã bị bỏ quên.
Một chuyên gia giao thông chia sẻ: “Ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến đường lớn đương nhiên là có vỉa hè để phục vụ cho người đi bộ. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp các vỉa hè này bị lấn chiếm để phục vụ việc đỗ xe máy hay bán hàng khiến cho không gian cho người đi bộ trên vỉa hè hoặc là mất hết hoặc rất hạn chế. Tôi nghĩ đây là một khuyết điểm rất lớn trong quản lý đô thị”. Bên cạnh việc tạo không gian cho người đi bộ thì cần xây dựng một hệ thống giao thông công cộng thuận tiện như xe buýt, đường sắt đô thị kết nối hợp lý với hạ tầng dành cho người đi bộ, có như vậy người dân mới có thể từ bỏ phương tiện cá nhân, từ đó hình thành thói quen đi bộ.
Tại Hà Nội, cùng với hệ thống đèn tín hiệu, có khoảng 50 cây cầu bộ hành, những tưởng giao thông Thủ đô sẽ giải quyết được cơ bản nhu cầu đi lại cho người đi bộ. Tuy nhiên, người dân vẫn "thản nhiên” đi ngang dưới lòng đường, vượt rào chắn, bất chấp nguy hiểm.
Người đi bộ làm trái với quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật (Căn cứ vào Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), cụ thể xử phạt hành vi:
Người đi bộ không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy (Căn cứ tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 100/2019) sẽ bị phạt tiền từ 60.000 – 100.000 đồng.
Người đi bộ đi vào đường cao tốc; trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc (Căn cứ Khoản 2 Điều 9 Nghị định 100/2019) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng.
Như vậy, xây dựng một nền tảng định hướng cho việc quy hoạch và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đô thị, mà còn cải thiện “thói quen” tham gia giao thông cho người dân an toàn hơn, văn minh hơn.
Tuệ Minh
Theo