(Xây dựng) - Bộ Giao thông vận tải khẳng định sẽ phối hợp Công ty TNHH Thu phí tự động và các bên liên quan tháo gỡ khó khăn để thực hiện hệ thống thu phí không dừng.
Đây là quan điểm được Bộ Giao thông vận tải khẳng định trong thông cáo phát đi vào chiều 14/11 về tình hình thực hiện hệ thống thu phí không dừng (ETC) tại các trạm thu phí.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí BOT được chia làm 2 giai đoạn (2 dự án), bao gồm: Giai đoạn 1 áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; giai đoạn 2 áp dụng cho các trạm còn lại trên toàn quốc. Để đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án, các bên cần đàm phán ký kết 2 loại hợp đồng, gồm: Phụ lục hợp đồng BOT về việc thu phí ETC giữa Bộ Giao thông vận tải với các nhà đầu tư BOT và hợp đồng dịch vụ giữa các nhà đầu tư BOT với nhà cung cấp dịch vụ.
Giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các đường cao tốc và những tuyến quốc lộ khác. Dự án này do Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) thực hiện.
Đến thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải đã đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng BOT với 35/39 trạm, 4 trạm đang tiếp tục đàm phán (trong đó có 5 trạm do VEC quản lý không phải ký phụ lục hợp đồng).
Các trạm thu phí thuộc giai đoạn 1 đã cơ bản lắp đặt và vận hành hệ thống ETC. Cụ thể, đang lắp đặt, vận hành 25/26 trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (1 trạm chưa lắp đặt do phải di dời vị trí) và 13 trạm trên các quốc lộ khác. Năm đường cao tốc do VEC quản lý chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị, dự kiến vận hành trong năm 2019, 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do gặp khó khăn về nguồn vốn.
Bộ Giao thông vận tải lý giải đến thời điểm này, cơ bản các trạm thu phí thuộc giai đoạn 1 đã được lắp đặt, vận hành công nghệ thu phí tự động, bước đầu tạo sự thuận lợi cho người sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc mà lớn nhất là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm.
Trước tình hình như trên, VETC đã gửi một số văn bản đề xuất dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục thực hiện.
"Sau khi xem xét đề xuất của VETC, Bộ Giao thông vận tải không đồng thuận giải pháp dừng triển khai dự án hoặc Nhà nước tiếp nhận lại dự án, đồng thời yêu cầu VETC phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết với Bộ Giao thông vận tải; Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp VETC và các cơ quan, đơn vị liên quan từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc với quyết tâm cao để hoàn thành dự án”.
Lê Mỹ
Theo