Thứ năm 18/04/2024 23:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thành phố Thái Nguyên nỗ lực trở thành đô thị trung tâm

09:12 | 05/10/2022

(Xây dựng) - Trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, thành phố Thái Nguyên luôn xứng đáng là hạt nhân là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của tỉnh Thái Nguyên; đồng thời nỗ lực để trở thành đô thị trung tâm vùng.

Thành phố Thái Nguyên nỗ lực trở thành đô thị trung tâm
Thành phố Thái Nguyên luôn xứng đáng là hạt nhân là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của tỉnh Thái Nguyên.

Ngày 19/10/1962 đánh dấu sự ra đời của thành phố Thái Nguyên có quy mô vỏn vẹn 4 khu phố: Hoàng Văn Thụ, Trưng Vương, Phan Đình Phùng, Quan Triều, 2 thị trấn và 6 xã: Đồng Quang, Gia Sàng, Cam Giá, Quang Vinh, Đồng Bẩm, Túc Duyên với tổng diện tích khoảng 100km2, dân số khoảng 60.000 người.

Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng lớn mạnh, luôn khẳng định vai trò là trung tâm hành chính của tỉnh Thái Nguyên, thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc (giai đoạn 1956-1975), trung tâm vùng Việt Bắc.

Nâng tầm

Để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ, ngày 02/4/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 102/HĐBT chuyển huyện Đồng Hỷ sang phía Đông - Bắc sông Cầu; thành phố Thái Nguyên tiếp nhận thêm 7 xã phía Tây, Tây Bắc của huyện Đồng Hỷ, đồng thời cắt xã Đồng Bẩm và 2 phường Chiến Thắng, Núi Voi về huyện Đồng Hỷ.

Tiếp đó, ngày 18/8/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 422/NQ-UBTVQH14 về việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, thành phố Thái Nguyên tiếp quản thêm 5 đơn vị hành chính gồm: Xã Sơn Cẩm (Phú Lương); thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (Phú Bình); đồng thời thành lập 2 phường Đồng Bẩm, Chùa Hang thuộc thành phố Thái Nguyên. Sau nhiều lần điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, đến nay, thành phố Thái Nguyên có 32 xã, phường với 401 xóm, tổ dân phố; có diện tích tự nhiên 222,93km2, gấp hơn 2 lần so với năm 1962.

Về dân số, đến năm 2022, thành phố Thái Nguyên có trên 360 nghìn người (gấp hơn 6 lần khi mới thành lập) và hàng chục nghìn người thường xuyên lưu trú học tập, công tác.

Thu hút đầu tư

Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh về cơ chế, chính sách, nguồn lực và mời gọi các nhà đầu tư, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn có uy tín đã và đang triển khai các dự án phát triển hạ tầng đô thị tại thành phố Thái Nguyên, với gần 100 dự án, tổng mức đầu tư trên 200 nghìn tỷ đồng.

Hiện, thành phố Thái Nguyên đang triển khai các dự án quy mô lớn như: Khu đô thị hồ điều hòa Xương Rồng, Khu đô thị Thái Hưng Eco, Khu đô thị Danko và các dự án tòa nhà đa năng cao tầng... Từ đó, tạo sự hiện đại cho đô thị và đem lại nhiều giá trị cho địa phương.

Nhờ thu hút đầu tư mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố có sự bứt phá mạnh mẽ, bình quân đạt trên 15%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất tăng 8%, ước đạt trên 29.193 tỷ đồng. Trong đó ngành Dịch vụ - Thương mại tăng 6,7%, ngành Công nghiệp - Xây dựng tăng 8,6%, ngành Nông nghiệp - Thủy sản tăng 4,1%. Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt 5.538 tỷ đồng; giá trị sản xuất ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 1.209 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách của thành phố Thái Nguyên ước đạt 1.348,9 tỷ đồng, bằng 107,22% so với cùng kỳ năm 2021…

Nhờ vậy, từ một thành phố được biết đến là cái nôi của ngành công nghiệp nặng Việt Nam đến nay thành phố Thái Nguyên đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại và năng động. Trong lòng thành phố, những tòa nhà cao tầng, với thiết kế hiện đại, đẹp mắt “mọc” lên ngày càng nhiều, những khu dân cư, khu đô thị có cảnh quan được mệnh danh đẹp nhất, nhì Việt Nam cũng đã tọa lạc trong lòng thành phố, nơi mà người dân được hưởng những tiện ích sống đẳng cấp.

Thành phố Thái Nguyên nỗ lực trở thành đô thị trung tâm
Các công trình, dự án đã và đang được hoàn thiện góp phần tạo diện mạo mới cho bộ mặt đô thị thành phố Thái Nguyên.

Phát triển đô thị hiện đại

Thời điểm này, có thể thấy hầu như khắp mọi nơi trong thành phố Thái Nguyên đều có sự nhộn nhịp, hối hả của các công trình xây dựng đang được đẩy nhanh tiến độ. Ở phía Tây của thành phố, các khu dân cư hai bên đường Bắc Sơn kéo dài (thuộc địa phận các xã Quyết Thắng, Phúc Xuân…) đang được máy móc san gạt, lu lèn làm hạ tầng; dự án sân vận động mới đang được gấp rút giải phóng mặt bằng. Ở phía Đông (tại các xã, phường Huống Thượng, Linh Sơn, Túc Duyên…) là loạt dự án khu dân cư, khu đô thị, công trình đường Huống Thượng - Chùa Hang, cầu Mo Linh 1, Mo Linh 2… máy móc cũng làm việc ngày đêm, phấn đấu hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch. Trong khu vực nội thị, nhiều trung tâm thương mại, tòa chung cư có quy mô như: Dự án Trung tâm thương mại Phú Quý Thăng Long, Tòa nhà hỗn hợp Thái Nguyên Tower, Dự án Tòa tháp đôi Prime Thái Nguyên… đang trong quá trình hoàn thiện.

Theo thống kê, chỉ tính riêng giai đoạn 2015- 2020, thành phố Thái Nguyên có hơn 400 công trình, dự án được triển khai với tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố trên 7.800 tỷ đồng; 13 dự án được đầu tư bằng nguồn ODA với tổng giá trị trên 2.500 tỷ đồng.

Các công trình, dự án đã và đang được hoàn thiện góp phần tạo diện mạo mới cho bộ mặt đô thị, trong đó phải kể đến Dự án Chương trình phát triển tổng hợp đô thị động lực thành phố Thái Nguyên với kinh phí đầu tư trên 2.200 tỷ đồng; Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, tổng vốn thực hiện trên 1.800 tỷ đồng; Dự án xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài, tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng…

Bên cạnh thu hút đầu tư các dự án vào địa bàn, từ nguồn vốn ngân sách, thành phố Thái Nguyên còn đặc biệt chú trọng việc chỉnh trang đô thị. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã đầu tư hơn 250 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo vỉa hè, thảm mới mặt đường; trồng mới, thay thế cây xanh có nguy cơ gãy đổ, mất mỹ quan đô thị; hạ ngầm hạ tầng kỹ thuật một số tuyến phố...

Ngoài ra, thành phố cũng dành hàng chục tỷ đồng để xây dựng các khu cây xanh, vườn hoa công cộng, trang bị máy tập thể dục trên nhiều tuyến phố; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai thực hiện tốt các đề án xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, như: Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; xây dựng tuyến phố văn minh đô thị; nâng cao năng lực quản lý trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị...

Việc triển khai có hiệu quả các đề án đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc xây dựng phố phường sạch đẹp. Đến nay, rác thải sinh hoạt của 100% xã, phường đã được thu gom, vận chuyển và xử lý tập trung; 99% các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị bị kiểm tra, xử lý; chất lượng dịch vụ công ích đô thị ngày một nâng cao...

Thành phố thông minh

Vấn đề nâng cao chất lượng đô thị luôn được thành phố Thái Nguyên tập trung nguồn lực xây dựng. Trong đó, đô thị thông minh được xác định là mục tiêu hướng tới trong giai đoạn hiện nay; là yếu tố cốt lõi, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

Không lâu sau đó, từ tháng 6/2021, thành phố Thái Nguyên trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình “Phòng họp không giấy tờ” tại các hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy, kỳ họp HĐND, phiên họp thường kỳ UBND thành phố.

Cùng với đó, địa phương thực hiện mục tiêu chuyển đổi số với 3 hợp phần chính, gồm: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thành phố Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 90% thủ tục hành chính được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; trên 300 doanh nghiệp số và trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.

32/32 phường, xã đã triển khai lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát với tổng số 304 chiếc đã được lắp đặt, kết nối trực tiếp tại các vị trí với trụ sở UBND các phường, xã để phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương…

Ngoài ra, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo triển khai dự án xây dựng Trung tâm điều hành thông minh thành phố Thái Nguyên (IOC) kết nối với IOC của UBND tỉnh và các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo triển khai hiệu quả Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Theo lộ trình trên, đến năm 2030, thành phố Thái Nguyên phấn đấu có trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến; trên 1.500 doanh nghiệp số; hơn 80% dân số trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử...

Thành phố Thái Nguyên nỗ lực trở thành đô thị trung tâm
Thành phố Thái Nguyên trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình “Phòng họp không giấy tờ”.

Phát biểu trước báo giới, tân Bí thư Thành ủy Thái Nguyên Dương Văn Lượng khẳng định: Mục tiêu là đến năm 2030, thành phố Thái Nguyên trở thành đô thị văn minh, hiện đại - một trong những trung tâm kinh tế, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể thao, du lịch - “đầu tàu” phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Theo Quy hoạch tỉnh, về hạ tầng, thành phố Thái Nguyên sẽ là đô thị trung tâm kết nối và điều phối. Do vậy trong những năm tới, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, theo định hướng phát triển đô thị thông minh. Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung vào hệ thống giao thông - vận tải, thoát nước và xử lý nước thải, các công trình văn hoá - công viên - thể thao - vui chơi công cộng phục vụ cộng đồng. Về công nghiệp, thành phố Thái Nguyên hướng tới xây dựng ngành Công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, từng bước phát triển công nghiệp công nghệ cao...

Dẫu rằng, đã và đang còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu đã đề ra, để thành phố Thái Nguyên xứng đáng là đầu tàu phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vào năm 2030. Song, với những gì các thế hệ cán bộ, nhân dân đang xây đắp, tạo dựng thời gian qua sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để thành phố Thái Nguyên thực hiện khát vọng vươn xa.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load