Thứ tư 18/12/2024 21:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thành phố Hoa Lư – Động lực phát triển mới của tỉnh Ninh Bình

14:16 | 18/12/2024

(Xây dựng) – Ngày 10/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1318/NQ – UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 – 2025, trong đó tỉnh Ninh Bình sẽ có thành phố mới là thành phố Hoa Lư trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số của huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình. Đây là đô thị hạt nhân và là động lực phát triển mới của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

Thành phố Hoa Lư – Động lực phát triển mới của tỉnh Ninh Bình
Thành phố Hoa Lư được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số của huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình.

Sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,23km2 với quy mô dân số là 238.209 người, có 20 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 12 phường và 8 xã). Địa giới giáp các huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, thành phố Tam Điệp và tỉnh Nam Định. Thành phố Hoa Lư vừa có yếu tố lịch sử là Cố đô, vừa có Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và có 3 Di sản văn hoá vật thể được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, Danh lam thắng cảnh Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, Di tích quốc gia núi Non Nước).

Tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Hoa Lư nói riêng có Cố đô Hoa Lư là Kinh đô trong 42 năm (từ năm 968 đến năm 1010) của Nhà nước Đại Cồ Việt – Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên, mở ra kỷ nguyên độc lập, có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, gắn với sự nghiệp của 3 triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư, nơi đây đã từng là một trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế với vai trò, chức năng trị sở lớn.

Cùng với đó, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới loại hình hỗn hợp với những giá trị nổi bật toàn cầu như: Quá trình tiến hoá địa chất, địa mạo đại diện cho sự hình thành và kiến tạo vỏ trái đất; Thẩm mỹ của cảnh quan tự nhiên tồn tại qua hàng triệu năm; quá trình định cư, thích ứng liên tục của con người hơn 30.000 năm lịch sử… Quần thể danh thắng Tràng An chiếm 74% tổng diện tích thành phố Hoa Lư, một đô thị mới hình thành gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Tràng An. Đây là tiền đề để tạo dựng, định hình chức năng lãnh thổ một đô thị mới có vai trò bổ sung, bù đắp thiếu hụt của các siêu đô thị, đô thị lớn ở các tỉnh, thành phố lân cận nhằm đảm bảo cân bằng, điều tiết phát triển trong quản trị vùng, dưới áp lực của công nghiệp hoá, đô thị hoá, dựa trên trụ cột phát triển du lịch, công nghiệp văn hoá, kinh tế di sản, công nghiệp công nghệ cao gắn với thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thành phố Hoa Lư – Động lực phát triển mới của tỉnh Ninh Bình
Quần thể danh thắng Tràng An chiếm 74% tổng diện tích thành phố Hoa Lư.

Ngoài ra, đô thị Ninh Bình là 1 trong 3 trung tâm văn hoá di sản, là 1 trong 14 đô thị trung tâm du lịch quốc gia theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; được xác định là 1 trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025, trong đó tỉnh Ninh Bình sẽ có thành phố mới là thành phố Hoa Lư, đây là bước ngoặt quan trọng, không chỉ mở ra cơ hội mới cho thành phố Hoa Lư theo tính chất “Đô thị di sản” mà còn là động lực phát triển mới cho tỉnh Ninh Bình.

Thành phố Hoa Lư mới sẽ xây dựng và phát triển theo hướng bền vững và theo từng phân khu chức năng đã được quy hoạch rất bài bản và khoa học. Thành phố sẽ tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, khai thác nét văn hoá đặc trưng của vùng đất Cố đô tại khu vực trung tâm. Vùng ngoại thành sẽ chú trọng tạo cảnh quan, thu hút các nhà đầu tư có năng lực nhằm phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, những loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm gắn với cuộc sống và công việc tại vùng nông thôn. Đối với vùng lõi Di sản Tràng An sẽ tập trung quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm phục vụ phát triển ngành Du lịch.

Anh Tú

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load