Luật Thủ đô năm 2024 đặt mục tiêu tăng cường diện tích không gian xanh, cải thiện chất lượng môi trường sống và bảo vệ đa dạng sinh học.
Phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại cũng là một trong những quan điểm phát triển chung tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những bước ngoặt quan trọng, mở ra hướng đi mới cho việc xây dựng một Hà Nội xanh.
Tuyến đường Vành đai 2, đoạn qua địa bàn quận Cầu Giấy được trồng nhiều hàng cây xanh góp phần cải thiện môi trường đô thị. Ảnh: Quang Thái |
Đô thị xanh - động lực phát triển của Thủ đô
Nội dung liên quan đến không gian xanh trong Luật Thủ đô năm 2024 được quy định tại Điều 17 về Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; Điều 18 về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; Điều 28 về bảo vệ môi trường với những quan điểm chính về bảo đảm môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Tại khu vực nội đô lịch sử sẽ được xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
Tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc được xác định là động lực phát triển chính của Thủ đô. Trong tổ chức không gian, thành phố xác định sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích cây xanh đô thị phấn đấu khoảng 10-12m2/người.
Về tầm nhìn đến năm 2050, phát triển xanh, tăng diện tích cây xanh, xanh hóa khu vực nội đô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ môi trường, cảnh quan. Tại đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố tiếp tục cụ thể hóa và cập nhật các điểm mới của công tác quản lý phát triển không gian xanh đô thị.
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên, những chủ trương, chính sách và quy hoạch nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý và phát triển không gian xanh cũng như xác định rõ chỉ tiêu về diện tích cây xanh, số lượng công viên và chất lượng không gian xanh. Đồng thời, để thúc đẩy đa dạng hóa các loại hình không gian xanh, các quy hoạch đã khuyến khích việc phát triển không gian xanh công cộng, không gian xanh trong khu dân cư, không gian xanh đặc thù. Quan trọng hơn, các chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào những dự án này.
Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình) có quy hoạch hài hòa với cây xanh và hồ nước, góp phần cải thiện môi trường đô thị. Ảnh: Nguyễn Quang |
Nhiều giải pháp cần tiếp tục thực hiện
Từ thực trạng, thách thức phát triển đô thị Hà Nội hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội khẳng định, để tạo thay đổi căn bản về cảnh quan không gian đô thị, tạo lập môi trường sống bền vững, tạo lập các không gian tái tạo sức lao động cho người dân Thủ đô Hà Nội, đương nhiên phải có định hướng phát triển, cải tạo và tái thiết các không gian xanh, không gian công cộng, công viên, vườn hoa đô thị trung tâm, đặc biệt là khu vực phát triển dày đặc, khu vực làng xóm đô thị hóa.
“Để triển khai từ quy hoạch vào thực tiễn cần cụ thể từ quan điểm giữ lại các cấu trúc của không gian xanh, hành lang xanh, vành đai xanh đến giữ gìn, phát triển, kết nối các không gian mặt nước, cây xanh đô thị. Song song đó là các giải pháp thu hút đầu tư, sự tham gia của cộng đồng trong cải tạo hệ thống công viên, vườn hoa, cũng như sự tham gia chia sẻ, xã hội hóa các không gian công cộng của tư nhân cho cộng đồng theo kinh nghiệm quốc tế. Việc này cũng cần được thể chế hóa...”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân nêu.
Còn theo Tiến sĩ Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), một trong những giải pháp để tăng cường không gian xanh là áp dụng mô hình không gian đa chiều và thích ứng với không gian ngầm. Mô hình này cần được quy hoạch và khuyến khích bổ sung không gian xanh theo chiều ngang và chiều dọc trong các công trình, đường phố. Ngoài ra, việc tổ chức, nghiên cứu các giải pháp mô hình cây xanh kết hợp phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), mô hình không gian xanh cho khu vực ga ngầm tại khu vực nội đô là hết sức cần thiết.
Nêu ra một số giải pháp quy hoạch xây dựng không gian xanh cho Hà Nội cần được tiếp tục thực hiện, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho rằng, nhiệm vụ đầu tiên là cần thường xuyên rà soát, cập nhật quy hoạch tổng thể, chi tiết phù hợp với tình hình thực tế và các yêu cầu mới. Các quy hoạch phải được liên kết chặt chẽ với nhau, từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện. Trong đó, cần ưu tiên không gian xanh trong quy hoạch thông qua điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ lệ đất dành cho không gian xanh, đặc biệt là ở khu vực trung tâm và khu dân cư mới; bảo vệ các khu vực có giá trị sinh thái cao, hồ, sông, kênh rạch; yêu cầu các công trình xây dựng phải bố trí không gian xanh trên mái, ban công, sảnh…
Để tạo ra các hành lang xanh liên kết, cần chú ý đến hành lang xanh dọc theo các tuyến đường giao thông, sông ngòi. Bên cạnh đó, cần bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên như rừng, đầm lầy, góp phần tạo ra một môi trường sống lành mạnh.
“Ngoài ra, cần phối hợp quy hoạch không gian xanh với quy hoạch giao thông, tạo ra các tuyến đường xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phối hợp quy hoạch không gian xanh với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm cung cấp đủ nước, điện, thoát nước cho các khu vực xanh. Sự tham gia của cộng đồng trong quy hoạch cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng một Hà Nội xanh, sạch, đẹp theo đúng chủ trương và yêu cầu đặt ra cho Hà Nội trong bối cảnh hiện nay”, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên nói.
Theo Bảo Hân/hanoimoi.vn
Link gốc: https://hanoimoi.vn/mo-huong-xay-dung-mot-ha-noi-xanh-688385.html