(Xây dựng) - Thành phố Sông Công được xác định là đô thị công nghiệp, trung tâm kinh tế, văn hóa khu vực phía Nam tỉnh Thái Nguyên. Là địa phương có nhiều thuận lợi về vị trí, điều kiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông - đô thị bản lề trung chuyển giao lưu hàng hóa giữa tỉnh Thái Nguyên với các đô thị xung quanh. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Duy Nghĩa - Chủ tịch UBND thành phố Sông Công xung quanh vấn đề này.
Các đại biểu ấn nút khai trương Trung tâm Điều hành thông minh Sông Công. |
PV: Thành phố Sông Công được ví như “miền đất hứa” với nhiều tiềm năng phát triển đối với các doanh nghiệp, nơi tập trung các công trình trọng điểm, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và, ông đánh giá sao về điều này?
Ông Vũ Duy Nghĩa - Chủ tịch UBND thành phố Sông Công: Thành phố Sông Công ở phía Nam tỉnh Thái Nguyên. Do sở hữu vị trí “vùng đệm” lý tưởng giữa Thái Nguyên và Hà Nội, kết nối giữa Thái Nguyên với Hà Nội, Thái Nguyên với các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ, nút giao của nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua nên Sông Công là “vùng đệm” lý tưởng cho các hoạt động giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, và cũng là điều kiện lý tưởng cho sự dịch chuyển an cư của hàng triệu người dân Hà Nội và thành phố Thái Nguyên. Với nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành trọng điểm, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, những năm qua, thành phố Sông Công đã đạt nhiều thành tích nổi bật trong phát triển công nghiệp, quy hoạch đô thị, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên, và là đơn vị top đầu cả nước thu hút đầu tư. Từ chỗ chỉ có 01 Cụm công nghiệp Gò Đầm với 03 doanh nghiệp đầu tiên, đến nay thành phố Sông Công đã có 2 KCN tập trung là Sông Công I và Sông Công II, trong đó, KCN Sông Công I đã có 102 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 58 triệu USD và gần 8.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 55%; KCN Sông Công II (giai đoạn 1, diện tích 250ha) có 18 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là trên 1 tỷ USD, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 96%, cùng 4 cụm công nghiệp với trên 450 đơn vị sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trong và ngoài tỉnh. Thành phố xác định thu hút đầu tư là một trong những khâu đột phá của Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Vũ Duy Nghĩa - Chủ tịch UBND thành phố Sông Công. |
PV: Để thu hút đầu tư phải có nhiều giải pháp hiệu quả, phải tạo đột phá về công nghiệp, đô thị, dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, thành phố Sông Công đã triển khai vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Duy Nghĩa - Chủ tịch UBND thành phố Sông Công: Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân phải là đối tượng phục vụ”, thành phố đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số,… Ngày 21/4/2002, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đi vào vận hành chính thức thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Sông Công trong xây dựng chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, phòng, ban chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch giúp doanh nghiệp triển khai dự án trên địa bàn thuận lợi, góp phần phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố.
Hạ tầng đường Thắng Lợi và Khu đô thị hiện đại tại KCN Sông Công II. |
Khu đô thị Thiên Lộc - Sông Công - dự án kiểu mẫu tại thành phố Sông Công, quy hoạch hiện chuẩn hiện đại. |
PV: Vậy công tác bồi thường, GPMB của thành phố đầu năm 2022 đến nay đạt kết quả như thế nào, và đâu là trở ngại, thưa ông?
Ông Vũ Duy Nghĩa - Chủ tịch UBND thành phố Sông Công: Công tác bồi thường, GPMB của thành phố luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của trên. Và Phòng Tài nguyên và môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể của thành phố, Đảng ủy, UBND các xã, phường để thực hiệu hiệu quả nhất về công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB các dự án trọng điểm; giải quyết đúng pháp luật các dự án còn tồn đọng, các dự án mới triển khai thực hiện năm 2022. Trong 06 tháng đầu năm 2022, UBND thành phố phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với 26 dự án để thực hiện công tác thu hồi đất, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Tổng số tiền hỗ trợ GPMB dự ước chi là 200 tỷ đồng; đã có 02 dự án đầu tư mới được chấp thuận chủ trương đầu tư tại KCN Sông Công I và KCN Sông Công II với số vốn đăng ký 107 tỷ đồng. Làm tốt công tác GPMB đúng tiến độ chính là góp phần phát huy hiệu quả thu hút doanh nghiệp về đầu tư tại TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
PV: Sông Công đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị, và bộ mặt đô thị của thành phố đến nay đang thay đổi từng ngày. Vậy việc hoàn chỉnh xây dựng thành phố Sông Công theo mô hình đô thị xanh, sạch, đẹp thời gian tới được triển khai như thế nào?
Ông Vũ Duy Nghĩa - Chủ tịch UBND thành phố Sông Công: Trong chương trình phát triển đô thị chung của tỉnh Thái Nguyên, thành phố Sông Công đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố Sông Công để đáp ứng yêu cầu nâng cấp đô thị; tập trung vào 03 đột phá và các dự án, công trình trọng điểm; thu hút các dự án có tiềm năng, có hàm lượng khoa học - công nghệ kỹ thuật cao, sạch, có sản phẩm thân thiện với môi trường vào đầu tư trên địa bàn thành phố để tạo ra giá trị gia tăng lớn, sử dụng nhiều lao động. Thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Bá Xuyên, Cụm công nghiệp Lương Sơn để tăng nguồn thu ngân sách địa phương, thu hút lao động trong và ngoài địa phương khác về thành phố Sông Công;... hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn của một đô thị thông minh; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nguồn lực xã hội, giúp thành phố ngày càng phát triển. Bên cạnh mở rộng một số trục giao thông nội thị - phát triển dịch vụ, mở rộng không gian đô thị thành phố cũng chú trọng tăng diện tích cây xanh, tạo mảng xanh cho thành phố, xứng đáng trở thành một trọng điểm công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên. Theo kế hoạch, thành phố cần khoảng 56 nghìn tỷ đồng để phát triển đô thị trong giai đoạn 2021 – 2025.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Minh Vũ – Khánh Diệp
Theo