(Xây dựng) - Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn khiếu nại (lần 2) của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị Phi Long gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan truyền thông. Nội dung đơn, khiếu nại Quyết định số 899/QĐ-KPHQ ngày 20/12/2019 của Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 6 hạng mục công trình do Công ty này làm chủ đầu tư.
Văn phòng dự án xây dựng năm 2003 |
Theo đó 6 công trình bao gồm: Công trình 01 – Trụ sở văn phòng: Diện tích xây dựng 290m2, tổng diện tích sàn 993,6m2 kết cấu bê tông cốt thép, tường xây gạch, mái ngói; Công trình 02 – Hàng rào: Dài 163,5m, kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch + song sắt; Công trình 03 – mái che: Diện tích 163m2, kết cấu cột sắt mái tôn; Công trình 04 - nhà ở: Diện tích xây dựng 163m2 tổng diện tích sàn xây dựng 604,7m2 kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch, sàn bê tông cốt thép, mái ngói; Công trình 05 – mái che: Diện tích xây dựng 107,9m2 kết cấu cột sắt mái tôn; Công trình 06 – hàng rào: Chiều dài 83,8m kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch + song sắt. Thời điểm vi phạm là năm 2007.
Đơn khiếu nại này, đã được gửi đến UBND huyện Bình Chánh. UBND huyện Bình Chánh đã giải quyết lần 1 và tiếp tục ra Quyết định số 351/QĐ-CCXP ngày 15/6/2020 tiếp tục cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Nhìn chung, công luận đều đồng tình với các cấp chính quyền địa phương trong việc kiên quyết xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi vi phạm trật tự xây dựng để lập lại kỷ cương trong hoạt động xây dựng nói chung. Tuy nhiên, những quyết định đó phải đúng pháp luật, được nhân dân ủng hộ. Cá nhân, tổ chức vi phạm phải “tâm phục khẩu phục”. Đặc biệt, không mang lợi ích nhóm, gây khó khăn, sách nhiễu cho tổ chức, cá nhân.
Qua nghiên cứu đơn và các tài liệu doanh nghiệp gửi kèm theo có thể thấy như sau: Công ty (nay là Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị Phi Long) là chủ đầu tư dự án Khu dân cư – Thương mại – Trường học tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh (còn gọi là Khu dân cư Nam - Nam Sài Gòn).
Từ năm 2001, Công ty này đã xin lập dự án đầu tư Khu dân cư – Thương mại – Trường học tại xã Phong Phú. Với hàng trăm văn bản khác nhau của xã Phong Phú, của huyện Bình Chánh, của các Sở, ngành như: Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (nay là Sở Kiến trúc Quy hoạch), Sở Giao thông Công chính, Sở Xây dựng, Sở Địa chính và của UBND thành phố là cơ sở để Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị Phi Long làm chủ đầu tư dự án này với diện tích là 197.224m2.
Trên cơ sở các loại Văn bản nêu trên, ngày 9/5/2001, UBND huyện Bình Chánh ra Thông báo số 179/TB-UB về việc chấp thuận cho Công ty đầu tư dự án Khu dân cư tại xã Phong Phú.
Ngày 8/5/2002, Kiến trúc sư trưởng thành phố ban hành Quyết định số 1488/KTST-DDB2 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500 Khu dân cư – Thương mại – Trường học tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh). Ngày 30/6/2004, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3104/QĐ-UB về việc thu hồi và tạm giao đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh cho Công ty TNHH đầu tư để tổ chức bồi thường, tái định cư, giải tỏa mặt bằng chuẩn bị đầu tư, xây dựng Khu nhà ở.
Ngày 9/9/2005, Sở Kiến trúc Quy hoạch thành phố có Công văn số 2087/QHKT-ĐB2 về việc thỏa thuận sơ bộ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Khu nhà ở tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Trên cơ sở quy hoạch chi tiết 1/500 được Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt và Văn bản điều chỉnh quy hoạch của Sở Kiến trúc Quy hoạch, Công ty đã tổ chức bồi thường cho nhân dân nhằm giải phóng mặt bằng; tiến hành san lấp những khu vực đã giải phóng mặt bằng. Đến nay, dự án đã cơ bản xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống điện và một số hệ thống hạ tầng khác.
Từ năm 2001 đến nay, đất đai thuộc dự án này đã được coi là đất đô thị. Tại Văn bản số 316/CV-CCT ngày 4/8/2005 của Chi cục thuế huyện Bình Chánh đã hướng dẫn Công ty thực hiện việc nộp thuế đất theo giá đất đô thị (Thông báo nộp thuế số 84636/TB-CCT ngày 12/12/2012, Thông báo nộp thuế số 31905/TBPNN-CCT ngày 27/7/2017, Biên lai thu số 0007287 ngày 6/5/2019 của Chi cục thuế huyện Bình Chánh).
Trong quá trình đầu tư (vào năm 2013, 2014), Công ty cũng tiến hành xây dựng một số công trình vui chơi trong dự án và đã bị UBND huyện Bình Chánh quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế tháo gỡ các công trình này. Lý do: Các công trình không có Giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có; Công ty đã tổ chức thực hiện quyết định của UBND huyện.
Về Quyết định số 899/QĐ-KPHQ ngày 20/12/2019 của Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 6 hạng mục công trình, chúng tôi thấy như sau: Trên cơ sở các hợp đồng kinh tế, thuê mướn (gồm 14 hợp đồng và các giấy tờ liên quan) giữa Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị Phi Long và các nhà thầu chứng minh công trình 01 - trụ sở làm việc được thi công và hoàn thiện vào năm 2004.
Hai công trình số 01 và số 04 phù hợp với Văn bản số 2087/QHKT-ĐB2 của Sở Kiến trúc Quy hoạch về việc thỏa thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Tại Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai số 91/BB-VPHC lập ngày 4/12/2019, hành vi vi phạm hành chính được ghi: “Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, cụ thể đã xây dựng 6 công trình đã được ghi trong Quyết định cưỡng chế. Trong khi trên thực tế, từ năm 2001 đã được quy hoạch san lấp và xây dựng các công trình hạ tầng như một Khu đô thị. Nếu ghi như biên bản, thì tại sao trong dự án này hệ thống công trình giao thông, hệ thống điện, một số khu vực kè đã được xây dựng lại không ghi vào biên bản để Chủ tịch huyện ra Quyết định phá dỡ luôn?
Theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, tại điểm i, khoản 1, Điều 39 về Giấy phép xây dựng và các trường hợp được miễn Giấy phép xây dựng có nêu: Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, dự án phát triển Khu đô thị mới, các dự án thành phần trong Khu đô thị mới đã có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được duyệt theo đúng quy định của pháp luật”. Theo quy định này, các công trình thuộc dự án Khu dân cư – Thương mại – Trường học tại xã Phong Phú xây dựng trong giai đoạn này thuộc diện được miễn Giấy phép xây dựng.
Mặt khác, theo Điểm c, Khoản 1, Điều 17 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 7/12/2005 của Chính phủ quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: “Công trình xây dựng thuộc dự án Khu đô thị, Khu công nghiệp, Khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” được miễn Giấy phép xây dựng. Như vậy, công trình số 04 thuộc quyền sở hữu của bà Lê Thị Phương thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư số 124/HĐHTĐT với Công ty TNHH đầu tư ngày 5/7/2005; nếu khởi công xây dựng trong năm 2005 cũng được miễn Giấy phép xây dựng.
Như vậy, việc xử lý các công trình xây dựng trong các dự án Khu đô thị, Khu nhà ở, Khu công nghiệp phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình phải cấp Giấy phép, miễn Giấy phép trong từng thời kỳ.
Từ các cơ sở pháp luật trên, chúng tôi cho rằng, việc lập biên bản vi phạm hành chính là cơ sở để UBND huyện Bình Chánh ra Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế với 6 công trình trong dự án Khu dân cư – Thương mại – Trường học tại xã Phong Phú là thiếu căn cứ pháp luật (đặc biệt là đối với công trình số 01, số 04). Đồng thời, trình tự thủ tục để ban hành Quyết định xử phạt chưa đầy đủ theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Dự án đã triển khai từ năm 2001 tới nay, doanh nghiệp đã thực hiện đóng thuế đất theo đất đô thị nhưng chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trách nhiệm này không chỉ thuộc về chủ đầu tư mà còn thuộc về UBND xã Phong Phú và UBND huyện Bình Chánh qua các thời kỳ. UBND thành phố Hồ Chí Minh cần giao trách nhiệm cho các ngành liên quan, sớm vào cuộc để xử lý những tồn tại đã nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án một cách thuận lợi, đúng pháp luật.
Duy Nguyên
Theo