Thứ tư 22/01/2025 16:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều ý kiến phản biện bảng giá đất điều chỉnh

22:23 | 12/08/2024

(Xây dựng) - Chiều 12/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định 02/2020 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về bảng giá đất trên địa bàn Thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều ý kiến phản biện bảng giá đất điều chỉnh
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Quỳnh)

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá Quyết định số 02/2020 quy định về bảng giá đất trên địa bàn Thành phố, qua thời gian triển khai thực hiện đến nay đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế không còn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn đặt ra.

Cụ thể, bảng giá đất chưa tiệm cận giá đất thị trường, phạm vi áp dụng hẹp, chỉ sử dụng cho 8 trường hợp để thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, chu kỳ xây dựng bảng giá đất kéo dài (5 năm), khó cập nhật biến động thị trường, thiếu giá đất tái định cư để kịp thời giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố…

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy kỳ vọng bảng giá đất mới được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhiều dự án trên địa bàn Thành phố như: Vành đai 3, rạch Xuyên Tâm... Bởi giá mới tiệm cận thị trường dễ nhận được sự đồng thuận của người dân vì các mức hỗ trợ, đền bù đều sẽ tăng lên. Cùng đó, các dự án, công trình trọng điểm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sẽ đúng tiến độ, không bị ách tắc.

“Việc áp dụng bảng giá đất mới sẽ góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và đảm bảo cho thị trường ngày càng minh bạch hơn. Khắc phục những tồn tại của bảng giá đất hiện hành và đảm bảo công bằng khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với người dân”, bà Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng bảng giá đất điều chỉnh phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Dưới góc độ người dân, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, dự thảo này khi áp dụng sẽ tạo áp lực tài chính lớn, đặc biệt với những người đang có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở để con cái xây nhà, an cư lạc nghiệp…

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, giá đất tăng thì chi phí đầu tư tăng lên, sẽ làm giảm động lực đầu tư dự án của doanh nghiệp, nhà đầu tư chùn chân; giá đất tăng kéo theo chi phí bồi thường cao, làm dự án đầu tư công, tư, chi phí đầu vào đều tăng, tạo sức ép tăng giá đất.

"Giá đất tăng cũng khiến chi phí vốn đầu vào tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư dự án, bóp nghẹt động lực đầu tư của doanh nghiệp", luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều ý kiến phản biện bảng giá đất điều chỉnh
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: HCMCPV)

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền các quy định mới đến người dân bởi đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024 nên việc thay đổi nhận thức và cập nhật quy định pháp luật trong xã hội thực tế vẫn cần thêm thời gian để thích nghi.

Còn theo luật sư Trương Thị Hòa, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Thị Hoà, người sử dụng đất cần có thời gian thích ứng với giá đất theo quy định mới của Luật Đất đai 2024, khuynh hướng tăng giá đất phù hợp với giá thị trường. Bên cạnh đó, cần điều tra, khảo sát thực tế trước khi ban hành bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Để các gia đình có liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai không bị áp lực, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị UBND Thành phố thực hiện theo Điều 257 khoản 1 Luật Đất đai 2024 để bảng giá đất cũ được tiếp tục áp dụng đến hết năm 2025.

Ông Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cần cân nhắc tiếp thu các ý kiến, tuy nhiên vẫn lưu ý rằng nếu hiện tại không xây dựng bảng giá đất điều chỉnh mà đến ngày 1/1/2026 mới áp dụng bảng giá đất mới, chênh lệch khi thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ tăng cao bất ngờ.

"Sở cần tính toán lộ trình hài hòa hơn, chia sẻ các mức, các mốc thời gian áp dụng phù hợp để đảm bảo nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, nhưng cũng cần thời gian để người thực hiện nghĩa vụ chuẩn bị khả năng thực hiện", ông Trần Đình Trữ nói.

Bảng giá đất cũ được áp dụng đến hết năm 2025

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương về việc triển khai các quy định tại Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công.

Văn bản của Bộ Tài chính đã nêu rõ về xử lý chuyển tiếp áp dụng bảng giá đất. Theo đó, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.

Trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Trình tự điều chỉnh bảng giá đất đối với trường hợp này (nếu có) thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ quy định về giá đất.

Cũng theo Bộ Tài chính, thực hiện kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 103 ngày 30/7/2024 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Nghị định số 104 ngày 31/7/2024 quy định về Quỹ phát triển đất; trong đó có quy định về tính, thu, nộp, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; về tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính của Quỹ phát triển đất; xử lý chuyển tiếp về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất, về hoạt động của Quỹ phát triển đất trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành.

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay các trách nhiệm được giao theo quy định của Chính phủ.

Bình An – Viết Dũng

Cùng chuyên mục
  • Các khoản chi cho hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất

    (Xây dựng) - Ông Nguyễn Văn Sang (Kon Tum) công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, là đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% kinh phí hoạt động. Đơn vị ông được UBND huyện giao quản lý và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn thu bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và nguồn kinh phí do Nhà nước cấp.

  • Đất nông nghiệp đã xây nhà ở nhiều năm có được cấp sổ đỏ?

    (Xây dựng) - Một thửa đất nông nghiệp không có giấy tờ, đã xây nhà ở từ năm 1995 và sử dụng ổn định đến nay, được thể hiện trên bản đồ địa chính đo năm 2003 với mục đích sử dụng là đất ở (ký hiệu T), phù hợp với quy hoạch đất ở. Thửa đất có được cấp sổ đỏ không?

  • Quảng Nam: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm về đất đai

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực đất đai định kỳ hàng năm và kiểm tra đột xuất. Qua đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai đối với các hành vi không đăng ký đất đai; lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; sử dụng đất không đúng mục đích…

  • Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội

    (Xây dựng) – Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024 trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 5/15 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 2.377/12.000 căn và 1 dự án nhà lưu trú công nhân hoàn thành 1 phần, với quy mô 368 căn.

  • Thành phố Hồ Chí Minh: Đã giải quyết khó khăn để cấp sổ hồng cho 27.500 căn hộ

    (Xây dựng) - Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ Công tác giải quyết các nội dung liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) đã tổ chức 12 cuộc họp về 66 dự án. Kết quả, đã tháo gỡ 41/66 dự án khó khăn, vướng mắc với số lượng căn hộ là 27.575 và 655 ô đậu xe ôtô, 1 tài sản gắn liền với đất, 15 sàn xây dựng công trình thương mại dịch vụ.

  • Vĩnh Phúc: Bảng giá đất năm 2025 chính thức có hiệu lực từ ngày 20/01

    (Xây dựng) – Từ ngày 20/01/2025, bảng giá đất mới được áp dụng năm 2025 do UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành chính thức hiệu lực. Theo nhận định, giá đất mới sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load