Thứ bảy 21/12/2024 18:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thành phố Hồ Chí Minh: Lý do chỉ giải ngân đầu tư công được hơn 20% trong 9 tháng

15:55 | 04/10/2024

(Xây dựng) - Ngày 3/10, tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh chưa cao.

Thành phố Hồ Chí Minh: Lý do chỉ giải ngân đầu tư công được hơn 20% trong 9 tháng
Ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tại họp báo. (Ảnh: Thế Anh)

Tại buổi họp báo, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, trong năm 2024, việc giải ngân đầu tư công nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố. Trong thời gian qua, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, tính đến hết tháng 9, Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ giải ngân hơn 20% vốn đầu tư công. Lý giải về việc này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số 249.000 tỷ đồng Thành phố phải giải ngân trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, có 49% số vốn được giao vào giữa kỳ trung hạn.

“Thông thường, đối với các địa phương khác, toàn bộ số vốn trong kỳ trung hạn được giao vào đầu kỳ, nhưng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi có Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố được cấp bổ sung thêm một lượng vốn là 107.000 tỷ đồng và số vốn này được giao vào cuối năm 2023.

Hiện tiến độ giải ngân đối với các dự án được giao vốn từ đầu kỳ đều đang đạt tiến độ thời gian. Đối với những dự án dùng vốn 107.000 tỷ đồng được bổ sung vào cuối năm 2023 thì phần lớn đang trong quá trình triển khai thủ tục, chưa đến thời điểm giải ngân số tiền lớn”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Tuấn Anh, Luật Đất đai ban hành cũng ảnh hưởng đến các dự án của Thành phố. Trong 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 của Thành phố Hồ Chí Minh thì có 33.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Thành phố Hồ Chí Minh: Lý do chỉ giải ngân đầu tư công được hơn 20% trong 9 tháng
Trong 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 của Thành phố Hồ Chí Minh, có 33.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Ngay từ đầu năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã lập các thủ tục để giải ngân công tác giải phóng mặt bằng trong quý III. Nhưng khi Luật Đất đai điều chỉnh thời gian có hiệu lực sớm từ ngày 1/8 đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân số vốn nêu trên, dẫn đến phần tiền dự kiến giải ngân cho giải phóng mặt bằng đạt rất ít.

“Các dự án thực hiện đến thời điểm phải bồi thường giải phóng mặt bằng, Thành phố phải dừng lại để điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng khi tính theo quy định mới”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.

Ngoài ra, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, còn nhiều dự án vướng mắc về thủ tục phải phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để giải quyết với tổng số vốn là 10.000 tỷ đồng, chiếm 12,6% tổng số vốn giải ngân trong năm của Thành phố. Đối với vấn đề điều chỉnh quy hoạch, trong quá trình thực hiện có một số dự án phải dừng lại để điều chỉnh trong bối cảnh điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố, đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung với số tiền khoảng 4.600 tỷ đồng (chiếm khoảng 6% tổng số vốn giải ngân).

Giai đoạn vừa qua, những thay đổi về Luật Đấu thầu cũng thay đổi về mặt quy trình, thủ tục, điều kiện, hồ sơ đối với quá trình lựa chọn nhà thầu. Do đó, nhiều đơn vị đã phải cập nhật lại để tiến hành tổ chức đấu thầu theo quy định mới. Các dự án bị ảnh hưởng bởi quy định này khoảng 9.400 tỷ đồng (chiếm 12% tổng số vốn phải giải ngân).

Về chủ quan, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận một số Sở, ngành Thành phố có khó khăn, chậm trễ nhất định trong phối hợp với nhau khi giải quyết thủ tục các dự án…

Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hàng loạt giải pháp để triển khai, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Chẳng hạn như xác định chi tiết cụ thể khó khăn vướng mắc về nhiệm vụ đối với từng dự án ở từng Sở, ngành; xác định tiến độ xử lý với từng việc, từng đơn vị.

Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng quán triệt lãnh đạo các đơn vị thực hiện nghiêm tiến độ xử lý thủ tục từng dự án; thực hiện quyết liệt các giải pháp mà Thủ tướng chỉ đạo; tích cực phối hợp với Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án lớn. Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; bám sát từng gói thầu, dự án, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh từng dự án…

Viết Dũng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load