(Xây dựng) - Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có Công văn số 83/2020CV-HoREA ngày 17/8/2020 về việc “Ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2024” gửi Sở Xây dựng. Theo đó, HoREA kiến nghị không tăng phí dịch vụ thoát nước trong năm 2020.
Nước thải chưa được xử lý đổ ra kênh rạch. |
Theo nhận định của HoREA, do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, đời sống người dân bị tác động, ảnh hưởng lớn. Nhiều người bị thiếu việc làm, thất nghiệp, giảm thu nhập, thậm chí mất thu nhập. Do vậy, đề xuất tăng thu phí dịch vụ thoát nước trong thời điểm này là chưa phù hợp đối với địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. HoREA kiến nghị Sở Xây dựng, UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét chưa nên áp dụng giá dịch vụ thoát nước trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng, mà nên giữ nguyên mức giá thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng về “giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2024”, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được áp dụng từ năm 2020 sẽ có mức thu như sau: Theo lộ trình tăng mỗi năm 5% cho giá nước sạch, nếu tính giá nước sạch trung bình năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh là 9.590 đồng/m3, giá dịch vụ thoát nước bình quân là 1.439 đồng/m3 (chưa gồm thuế GTGT, tăng 15%); năm 2021 là 2.033 đồng (tăng 20%); năm 2022 là 2.694 đồng (tăng 25%); năm 2023 là 3.426 đồng (tăng 30%) và có mức 4.237 đồng/m3 vào năm 2024 (giá nước sạch năm 2024 khoảng 12.107 đồng/m3, tăng 35%).
Nếu tính theo mức phí thoát nước áp dụng năm 2020 là 1.439 đồng/m3 và mức phí áp dụng cho năm 2024 là 4.237 đồng/m3, mức phí thoát nước tăng 294% trong 5 năm.
Việc đề xuất tăng mức phí thoát nước được Sở Xây dựng dựa vào số liệu của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố. Theo đó, tổng chi phí hoạt động duy tu, bảo trì… thoát nước giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố ước tính hơn 5.900 tỷ đồng, nhưng nguồn thu “phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” còn quá ít. Như năm 2017, tổng chi phí là 918 tỷ đồng, trong khi nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt chỉ từ 414 tỷ đồng, vẫn chưa đủ bù đắp để thực hiện công tác duy tu hệ thống thoát nước, chưa nói tới việc đầu tư các dự án xử lý nước thải.
Trên thực tế, toàn thành phố chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất xử lý 171.000m3/ngày (chỉ bằng 13% lượng nước thải trên địa bàn thành phố). Như vậy, có đến 1,5 triệu m3 nước thải/ngày chưa được xử lý vẫn đổ ra sông, rạch không thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 xử lý 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt trong đô thị. Do vậy, việc thu giá dịch vụ thoát nước (bao gồm xử lý nước thải) nhằm có thêm nguồn thu để đầu tư và thu hút nguồn xã hội hóa vào duy tu hệ thống thoát nước và xử lý nước thải là rất cần thiết.
Hoàng Trịnh
Theo