Thứ sáu 26/04/2024 04:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thành phố Hồ Chí Minh: Chuyển một số huyện lên thành phố thêm cơ hội phát triển

10:29 | 13/06/2022

(Xây dựng) – UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch xây dựng Đề án Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc lên thành phố (trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) giai đoạn 2021-2030. Đây là một trong những Chương trình Đột phá, đổi mới quản lý thành phố đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

thanh pho ho chi minh chuyen mot so huyen len thanh pho them co hoi phat trien
Huyện Bình Chánh hiện hữu.

Theo đó, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ có vị trí thuận lợi ở cửa ngõ thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Những năm qua, các huyện này có tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đang hình thành.

Lên thành phố với định hướng là đô thị thông minh

Ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để thực hiện kế hoạch của Đề án mà UBND thành phố đề ra trước mắt các huyện cần tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới...

Trong định hướng điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060, cần nghiên cứu một trong những hướng phát triển chủ đạo của thành phố về hướng Bắc – Tây Bắc, với đặc điểm địa chất tốt, địa hình cao, kết nối với Vùng I phía Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài và còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị. Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc thành phố. Trong đó, Khu đô thị Tây Bắc dự kiến có sự điều chỉnh mô hình phát triển, hình thành khu đô thị hiện đại với các thuộc tính đặc trưng của đô thị thông minh.

Phát triển đô thị, tổ chức thực hiện đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận giai đoạn 2021 – 2030, chính là sự phát triển hài hoà giữa kinh tế, môi trường và xã hội với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá hơn, sống tiện nghi và hạnh phúc hơn. Chính vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên ngân sách tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới. Cùng đó, thành phố cũng kêu gọi và tạo điều kiện huy động nguồn lực người dân, doanh nghiệp phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại…

Theo các tiêu chí nâng cấp đô thị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các huyện phải đạt 30 tiêu chí trong bộ tiêu chí theo quy định. Tuy nhiên, chỉ mới có huyện Bình Chánh đạt 26/30 tiêu chí, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi đạt 23/30 tiêu chí, huyện Cần Giờ thấp nhất mới đạt 19/30 tiêu chí.

Ông Dư Phước Tân – Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho rằng: Mục tiêu cụ thể của đề án cần làm rõ hiện trạng về đặc điểm cư dân ở các huyện ngoại thành, nhất là khu vực nông thôn hiện nay. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí về con người đô thị, đánh giá kết quả đạt được thông qua quy chuẩn và đối chiếu số liệu trung bình chung của 5 huyện. Hay còn làm rõ những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với cư dân ngoại thành khi chuyển huyện thành quận. Ngoài ra, đề xuất các giải pháp phát triển liên quan xây dựng con người đô thị nhằm góp phần cùng các đề án nhánh khác, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi 5 huyện thành quận hoặc thành phố đạt kết quả thành công, theo hướng bền vững.

Cũng trao đổi về con người đô thị, ông Triệu Đỗ Hồng Phước - Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho rằng, khi nghiên cứu xây dựng đề án cần đặc tả đặc tính nhận dạng con người đô thị khi chuyển đổi từ huyện thành quận hoặc thành phố; các khoảng cách cần lấp đầy hay các đặc tính nhận dạng cần chuyển tiếp của con người hiện nay để trở thành con người đô thị. Đối với định hướng phát triển, cần tách biệt định hướng phát triển hạ tầng đô thị 5 huyện chuyển thành quận hoặc thành phố thuộc Thành phố với định hướng phát triển điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố nói chung.

Sự cần thiết lên thành phố trực thực thành phố

Ông Trần Văn Nam – Bí thư Huyện ủy Bình Chánh cho biết: Hiện mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính huyện/xã không còn phù hợp tốc độ đô thị hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Chánh. Vì thế huyện đặt mục tiêu chuyển thẳng lên thành phố vào năm 2025. Bởi khi lên quận, tất cả đơn vị hành chính là xã phải chuyển thành phường, nhưng đặc thù của Bình Chánh có một số xã vẫn còn nông nghiệp là chính. Do đó, lên thẳng thành phố là phù hợp với đặc điểm và điều kiện của Bình Chánh, vì vừa có phường, vừa có xã. Bình Chánh đề ra các chương trình đột phá gồm chương trình đột phá đổi mới phát triển, đột phá hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực…

Huyện Củ Chi lại theo hướng phát triển đô thị sinh thái và lên thẳng thành phố trực thuộc thành phố. Do đó, huyện định hướng phát triển đô thị sinh thái thông minh, phát triển các khu du lịch sinh thái ven sông; xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hình thành các khu dưỡng lão 5 sao... Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của huyện hiện đang còn yếu kém, mới chỉ có các trục chính như: Quốc lộ 22, Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 15… nhưng đã quá tải.

Huyện Cần Giờ cũng được định hướng phát triển thành “thành phố nghỉ dưỡng” sinh thái - du lịch thân thiện môi trường, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch với các trung tâm du lịch khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Huyện Hóc Môn cũng định hướng phát triển thành thành phố trong giai đoạn 2021-2030 theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông nghiệp. Trong đó, tận dụng tiềm năng đất đai và nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành logistic.

Huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành quận đô thị vệ tinh. Do đó, huyện đang tập trung xây dựng quy hoạch đô thị mang tính chiến lược, linh hoạt có tính đa địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và lành mạnh, giao thông thông suốt kết hợp xây dựng chính quyền số, kinh tế số.

Việc Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương chuyển huyện thành quận hoặc thành phố sẽ thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó, tạo lực đẩy thu hút nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, xứng đáng là đô thị hiện đại trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load