(Xây dựng) - UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 35 ngày 25/3/2023 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố Hồ Chí Minh ban hành 34 chỉ tiêu đánh giá công nghiệp hóa, hiện đại hóa. |
Theo đó, bộ tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá công nghiệp hóa, hiện đại hóa gồm 34 chỉ tiêu, đáp ứng yêu cầu bao trùm các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, đô thị, bảo vệ môi trường, chất lượng cuộc sống.
Cụ thể, nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế, 10 chỉ tiêu bao gồm: GRDP bình quân đầu người; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP; mật độ kinh tế; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu/tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ trọng VA/GO; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP; yếu tố năng suất tổng hợp (TFP); điện thương phẩm đầu người.
Nhóm tiêu chí về trình độ phát triển văn hóa xã hội và chất lượng - cuộc sống có 15 chỉ tiêu gồm: Tỷ lệ dân đô thị; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo/tổng số lao động; tỷ lệ thất nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn mới); tốc độ tăng năng suất lao động bình quân; tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; chỉ số mức chênh lệch giàu nghèo; tỷ lệ bác sĩ/tổng số dân; tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; chỉ số phát triển con người (HDI); tuổi thọ bình quân; tỷ lệ người sử dụng internet; tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ xã, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhóm tiêu chí về phát triển đô thị có 5 chỉ tiêu gồm: Diện tích nhà ở đô thị; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (mức 4); tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch; tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị.
Nhóm tiêu chí về bảo vệ và quản lý môi trường có 4 chỉ tiêu gồm: Diện tích cây xanh đô thị bình quân/người; giảm phát thải khí nhà kính hàng năm; tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bằng các công nghệ hiện đại, không chôn lấp; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố trong giai đoạn mới. Rà soát, hoàn thiện, thử nghiệm các cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển công nghiệp Thành phố theo chiều sâu. Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thành phố. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xây dựng chính quyền đô thị gắn với phát triển đô thị, tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, lực lượng doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quang Hải – Thiên Nam
Theo