(Xây dựng) – Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn có những tăng trưởng tích cực. Cụ thể, trên sàn giao dịch chứng khoán, biến động chủ đạo của cổ phiếu bất động sản trong tuần từ 23 - 27/8 vẫn là sự phân hóa mạnh ở cả nhóm vốn hóa lớn cũng như vừa và nhỏ, một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giao dịch tích cực và tăng mạnh.
Thanh khoản sụt giảm, VN-Index tiếp tục điều chỉnh, cố phiếu bất động sản phân hóa. |
Thị trường điều chỉnh tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản suy giảm. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index giảm 16,23 điểm (-1,2%) xuống 1.313,2 điểm; HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,2%) lên 338,79 điểm; UPCoM-Index giảm 0,6 điểm (-0,65%) xuống 92,13 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với trung bình khoảng 24.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 26,9% xuống 103.361 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 24,5% xuống hơn 3,18 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 27,6% xuống 18.149 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 23,3% xuống 745 triệu cổ phiếu.
Các nhóm cổ phiếu chính có sự phân hoá mạnh trong tuần qua và nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đi theo xu hướng chung. Thống kê 121 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong đó có 44 mã tăng và 62 mã giảm giá sau một tuần giao dịch.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn có biến động hẹp ở tuần giao dịch từ 23 - 27/8. Dù vậy với sự sụt giảm của hai mã VIC của Tập đoàn Vingroup và BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp nên VN-Index phần nào chịu thêm áp lực và đi xuống. Trong đó, VIC giảm 3% còn BCM giảm 3,7%. Bên cạnh đó, các cái tên như VHM của Công ty cổ phần Vinhomes, VRE của Công ty cổ ohaanf Vincom Retail hay PDR của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt đều giảm giá trong tuần qua nhưng mức giảm khá khiêm tốn và đều dưới 1%. Ở hướng ngược lại, NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va và THD của Công ty cổ phần Thaiholding tăng giá nhẹ với lần lượt 0,1% và 0,5%.
Đối với nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa cũng diễn ra mạnh, trong đó cổ phiếu LEC của Bất động sản Điện lực Miền Trung bất ngờ tăng đến 38,8% chỉ sau 5 phiên giao dịch từ 10.950 đồng/cổ phiếu lên 15.200 đồng/cổ phiếu. Dù thanh khoản của LEC có cải thiện so với thời gian trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức rất thấp với chỉ vài nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Tiếp sau đó, cổ phiếu IDJ của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam cũng tăng đến 20,2%. UBND tỉnh Lạng Sơn mới đây đã có văn bản đồng ý tiếp nhận kinh phí tài trợ lập quy hoạch khu đô thị sinh thái Yên Trạch 64ha từ Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam. Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 64,03ha. Quy mô dân số dự kiến khoảng 4.000 – 5.500 người. Khu đô thị được phát triển theo hướng đô thị xanh, phù hợp với định hướng quy hoạch chung với các công trình công cộng, trung tâm thương mại dịch vụ, khu nhà ở (biệt thự, nhà vườn, nhà liền kề…), khu công viên, khu thể thao...
Cổ phiếu HPX của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát cũng biến động tích cực khi tăng 19,5%. Việc cổ phiếu HPX liên tục đi lên thời gian qua được cho là hiệu ứng tích cực từ thông tin sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông phát hành 40 triệu cổ phiếu trả cổ tức vào ngày 7/9. Tỷ lệ phát hành 15%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 15 cổ phiếu mới.
Các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao cũng tăng tốt còn có BII của Công ty cổ phần Louis Land (9,4%), FID của Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam (9,1%), KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (7,7%)…
Ngược lại, hai cổ phiếu bất động sản có mức giảm giá trên 10% là HRB của CTCP Harec Đầu tư và Thương mại và NTB của Công ty cổ phần Công trình giao thông 584. Trong đó, HRB giảm giá mạnh nhất với 19,6%. Tuy nhiên, thanh khoản của NTB luôn ở mức rất thấp. Trong khi đó, NTB có thanh khoản tốt hơn HRB nhưng cũng thuộc diện thấp. Đáng chú ý, cổ phiếu này hiện vẫn đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM và chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần.
Một cổ phiếu đáng chú ý khác trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là TIX của Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình với mức giảm 6,7%.
Có thể thấy, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến cho kế hoạch triển khai dự án và kinh doanh của không ít doanh nghiệp bất động sản bị tạm hoãn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư cổ phiếu bất động sản.
Trước đó, theo Báo cáo ngành bất động sản của Công ty Cổ phần Chứng khoán NDIRECT chỉ ra rằng, thị trường bất động sản đang đối diện ba rủi ro giảm giá. Cụ thể, VNDIRECT nhận định thị trường bất động sản có thể gặp khó khăn tạm thời trong quý III/021 do dịch Covid-19 đang bùng phát. Tuy nhiên, thị trường sẽ nhanh chóng trở lại mạnh mẽ ngay khi dịch được kiểm soát. Nguồn cung bất động sản đang dần hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý, trong khi nguồn cầu cũng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trên diện rộng, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp và cơ sở hạ tầng đang được tăng tốc phát triển. Do đó, VNDIRECT cho rằng thị trường bất động sản có thể sẽ bước vào thời điểm thuận lợi từ quý IV/2021.
Ánh Dương
Theo