(Xây dựng) – Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký Công văn số 12416/UBND-CN triển khai đầy đủ, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. |
Theo đó, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Công văn số 5277/VPCP-CN ngày 25/7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp.
Tập trung triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là nhà thầu tại các dự án quan trọng, trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, lĩnh vực bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế.
Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt dự án), đảm bảo dự án có tính khả thi, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư để có thể tổ chức đấu thầu rộng rãi. Chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan, đơn vị thẩm định chủ động nghiên cứu, nâng cao trình độ quản lý, triển khai các quy định pháp luật về đấu thầu để tổ chức thực hiện việc đấu thầu đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền, trách nhiệm được giao; chú trọng việc kiểm soát thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, phê duyệt các bước trong quá trình lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện và quản lý hợp đồng đảm bảo đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án, gói thầu; lựa chọn tư vấn đấu thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, uy tín trong việc thực hiện hợp đồng…
Chủ động, tăng cường kiểm tra chuyên đề về đấu thầu (không lồng ghép vào các cuộc kiểm tra khác) và giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, đặc biệt là xử lý các vi phạm; tập trung kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp, gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu không qua mạng, gói thầu áp dụng chỉ định thầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp không thực hiện kết luận kiểm tra hoặc tiếp tục để xảy ra vi phạm.
Tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh việc công khai, đăng tải đầy đủ thông tin đảm bảo chính xác, đúng trách nhiệm, thời hạn trên Hệ thống e-GP (Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia) và tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng theo đúng lộ trình quy định tại Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng chậm báo cáo, báo cáo không đầy đủ, không theo mẫu biểu hướng dẫn, không chính xác số liệu công tác đấu thầu định kỳ theo quy định.
Thảo Chi
Theo