Thứ bảy 21/12/2024 19:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Thanh Hóa: “Khơi thông” gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội

20:54 | 09/04/2024

(Xây dựng) - Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp cận, nắm bắt nhu cầu vay vốn và hướng dẫn chủ đầu tư, người mua nhà; chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và người mua nhà tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Thanh Hóa: “Khơi thông” gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội
“Khơi thông” gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội.

Để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ngày 11/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi.

Tại Thanh Hóa, các Chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước tham gia chương trình gồm: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Ngoại thương. Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030.

Thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư áp dụng mức lãi suất cho vay là 3 năm kể từ ngày giải ngân, nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu; đối với người mua nhà áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm, kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. Trong thời gian ưu đãi, lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất trung và dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Trao đổi với đại diện lãnh đạo một ngân hàng đóng trên địa bàn cho biết: “Để triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Thanh Hóa đã ban hành công văn yêu cầu các ngân hàng tham gia chương trình trên địa bàn tỉnh quán triệt, triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP tới cán bộ, nhân viên trong đơn vị, tạo sự thống nhất về nhận thức trong triển khai thực hiện chương trình. Chủ động bố trí nguồn vốn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện chương trình, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng...

Đồng thời, tập trung chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tranh thủ các nguồn vốn, chủ động rà soát tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và người mua nhà tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giám sát việc cho vay của các ngân hàng thương mại, kịp thời báo cáo những vướng mắc phát sinh, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để nắm bắt các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn để chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp cận và cho vay theo quy định”.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết: Thực hiện Công văn số 6057/BXD-QLN ngày 28/12/2023 của Bộ Xây dựng, về việc đôn đốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; sau khi rà soát, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đăng ký với Bộ Xây dựng số lượng dự án, số lượng căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp hoàn thành trong năm 2024, dự kiến hoàn thành 2 dự án; số lượng căn hộ hoàn thành: 696 căn hộ (gồm số căn hộ của 2 dự án hoàn thành nêu trên và số căn hộ hoàn thành của các dự án khác).

Bên cạnh đó còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội như: Việc chấp thuận chủ trương đầu tư làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư còn chậm chễ, do chưa đảm bảo việc phù hợp các cấp độ quy hoạch xây dựng (giữa quy hoạch chi tiết với quy hoạch phân khu và quy hoạch chung đô thị) tại vị trí các dự án nhà ở xã hội; việc bàn giao quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại cho Nhà nước để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội còn chậm chễ (do chưa được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để bàn giao); còn có nhiều dự án chậm trễ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; việc điều chỉnh thiết kế, chủ trương đầu tư trong quá trình thực hiện dự án cũng kéo dài thời gian thực hiện.

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ khẩn trương lập phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị đảm bảo sự phù hợp các cấp độ quy hoạch; yêu cầu bàn giao quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại để đầu tư nhà ở xã hội làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án mới; tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với từng dự án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai thực hiện.

Theo tìm hiểu, hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Hiện mới có 28 tỉnh, thành công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Trong đó, các tỉnh tập trung công bố kể từ tháng 7/2023 đến nay. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này.

Các ngân hàng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... Điều này dẫn tới các ngân hàng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.

Về phía người mua nhà, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc triển khai cho vay đối với người mua nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc, do nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương hạn chế, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện để mua nhà, không đủ điều kiện để vay vốn. Hơn nữa, người mua nhà sẽ có xu hướng lựa chọn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi hơn (chương trình có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước).

Nhiều khách hàng hiện nay cũng ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này. Thời gian tới, để đẩy mạnh chương trình, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load