(Xây dựng) - Kết cấu hạ tầng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập mọi nguồn lực và lợi thế sẵn có xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Hóa quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đang tạo bước đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Thanh Hóa là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ, đồng thời là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 và dân số đứng thứ 3 của cả nước. Với việc xác định “giao thông đi trước mở đường” cho sự phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã cùng nhau thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực đầu tư công. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, có tính thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư cao, với phương châm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Tổng nguồn vốn đầu tư trên địa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2023, đạt 409.287 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Từ vốn ngân sách Nhà nước kết hợp “dòng” nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nhiều dự án hạ tầng lớn thuộc các lĩnh vực giao thông, cấp điện, hồ đập thủy lợi, đê điều, công nghệ thông tin, đô thị... đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Cũng trong giai đoạn này tỉnh Thanh Hóa đã nâng cấp, mở rộng quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến đường lớn, quan trọng với tổng chiều dài hơn 133 km, đạt 95,7% mục tiêu kế hoạch; đầu tư mới khoảng 154km đường giao thông, đạt 49,7% mục tiêu kế hoạch; cứng hóa khoảng 350km đường giao thông nông thôn.
Điển hình như: Dự án đầu tư xây dựng đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân có chiều dài 34,7km, điểm đầu tại ngã ba Nhồi thuộc phường An Hưng (thành phố Thanh Hóa), điểm cuối tại điểm giao giữa Quốc lộ 47 với đường vào Cảng hàng không Thọ Xuân, thuộc thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân). Tuyến đường có tổng mức đầu tư là 3.567 tỷ đồng, đi qua địa phận thành phố Thanh Hóa, các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Như Thanh, Thọ Xuân và được chia thành 3 tiểu dự án hay dự án: đường giao thông nối thành phố Sầm Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn; tuyến đường Đông - Tây thành phố Thanh Hóa đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A. Đặc biệt hơn là Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020 đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 đã được thông xe cuối tháng 4/2023.
Nhiều công trình sau khi hoàn thành Thanh Hóa sẽ có một diện mạo mới. (Ảnh L.G) |
Không dừng lại ở đó, hàng loạt dự án trọng điểm về giao thông đang được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, như: Đường giao thông từ KCN Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; đường Vạn Thiện đi Bến En; đường nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa)...
Ngoài ra, việc chú trọng trong đầu đầu tư kết cấu hạ tầng cũng đang được một số địa phương trong tỉnh Thanh Hóa tập trung đầu tư. Điển hình như thành phố Thanh Hóa, với việc xác định đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Thanh Hóa đã tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị. Trong đó, trọng tâm là giải quyết các nút thắt, “điểm nghẽn” về giao thông, hạ tầng đô thị, khớp nối hạ tầng giữa các khu đô thị. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã đầu tư và hoàn thành 163 dự án, 76 dự án đang triển khai đầu tư. Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình trọng tâm “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”.
Với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đang tạo ra bước đệm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, đang tạo ra sự thay đổi về diện mạo ở các đô thị, mỗi vùng quê và rộng hơn là liên kết vùng, liên kết các trung tâm kinh tế và là động lực hiện thực hóa kỳ vọng xây dựng Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước.
Thảo Chi
Theo