Thứ hai 17/06/2024 18:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thanh Hóa: Chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông

12:01 | 24/05/2024

(Xây dựng) - Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, bằng nhiều nguồn lực, Thanh Hóa đã chú trọng đầu tư, triển khai nhiều dự án giao thông trọng yếu, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của địa phương.

Thanh Hóa: Chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông
Dự án trọng điểm Đại lộ Đông – Tây thành phố Thanh Hóa, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2022.

Khởi động, hoàn thành nhiều dự án hạ tầng trọng điểm

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông đường bộ trọng điểm. Giai đoạn 2021-2025, khoảng 400.000 tỷ đồng đã được đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, đã thi công, đưa vào sử dụng một số dự án lớn, giúp kết nối các khu vực kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn.

Đơn cử, năm 2022, Thanh Hóa đã hoàn thành dự án trọng điểm như Đại lộ Đông - Tây, thành phố Thanh Hóa; Dự án nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn Km53-Km109 (từ huyện Ngọc Lặc đi huyện Quan Hóa). Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án Đại lộ Đông - Tây, thành phố Thanh Hóa; đường từ thành phố Thanh Hóa đến cảng hàng không Thọ Xuân; đường giao thông nối Quốc lộ 217 với Quốc lộ 45 và Quốc lộ 47; đường từ Quốc lộ 47 đi đường Hồ Chí Minh; Tiểu dự án 3 nâng cấp Quốc lộ 15, đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa...

Năm 2023, đã đưa vào sử dụng dự án đường từ trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường từ cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn. Ngoài ra, Thanh Hóa đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông qua địa phận tỉnh Thanh Hóa có tổng chiều dài 98,8km, gồm 3 dự án thành phần: Dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 chiều dài 49,02km hoàn thành đưa vào khai thác ngày 30/4/2023; Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn chiều dài 43,28km và Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu chiều dài 6,5km hoàn thành đưa vào khai thác ngày 01/9/2023.

Đầu năm 2024, để kết nối khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn và Cảng hàng không Thọ Xuân cùng khu vực phía Tây Thanh Hóa, địa phường này đã khởi công Dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 1.345 tỷ đồng.

Đây là tuyến đường nhằm đáp ứng lưu thông vận chuyển hàng hóa, hành khách, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn kết nối đường cao tốc Bắc - Nam, đường Nghi Sơn - Thọ Xuân và các tuyến đường khu vực với cảng hàng không Thọ Xuân, cảng biển Nghi Sơn.

Tiếp đó, khởi công đầu tư Dự án đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2, kết nối khu du lịch Sầm Sơn cùng các đô thị ven biển với khu vực phía Tây Thanh Hóa, tổng mức đầu tư 330,957 tỷ đồng. Dự án nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối liên vùng thông qua tuyến đường bộ ven biển và các trục giao thông trong khu vực...

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phạm Văn Chung - Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Giao thông vận tải cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và cụ thể hóa bằng các chiến lược. Hiện, nhiều công trình giao thông trọng điểm liên kết vùng được đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác với kỳ vọng sẽ tạo thế và lực để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới”.

Thanh Hóa: Chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông
Nhiều công trình giao thông trọng điểm liên kết vùng được đưa vào khai thác với kỳ vọng sẽ tạo thế và lực để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông

Ngoài ra, Thanh Hóa đang tích cực đẩy nhanh tiến độ Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, tới nay tiến độ thi công đã đạt trên 50%.

Địa phương này cũng chủ động bố trí nguồn vốn đề đầu tư hoặc phối hợp với các bên liên quan thực hiện thi công và đã đưa vào sử dụng 7 nút giao giữa các tuyến đường quốc lộ với tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm: Nút giao Gia Miêu (Km 295+800), nút giao Hà Lĩnh (Km 306+000), nút giao Thiệu Giang (Km 315+380), nút giao Đông Xuân (Km 327+142), nút giao Đồng Thắng (Km 335+400), nút giao Vạn Thiện (Km 351+320) và nút giao Nghi Sơn (Km 379+500) đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Không chỉ đường bộ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân (tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân) đang khai thác 8 đường bay nội địa và tiếp nhận một số chuyến bay quốc tế với công suất 1,2 triệu khách/năm. Thanh Hóa đang gấp rút triển khai phương án mở rộng sân bay này với các hạng mục: Đường băng thứ 2, nhà ga T2 và các công trình liên quan, với vốn đầu tư 8.200 tỷ đồng.

Về đường thủy, đến nay khu vực bến cảng Nam Nghi Sơn đã có 14 dự án khai thác hạ tầng cảng biển được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 25.000 tỷ đồng. Khu vực cảng tổng hợp gồm 21 bến cảng, đã có 12 bến hoàn thành đi vào khai thác kinh doanh.

Trong đó, năng lực tiếp nhận tàu trọng tải 70.000 DWT, bao gồm 2 bến cảng của Công ty Cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa, 3 bến cảng của Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương, 5 bến cảng của Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn, 1 bến cảng của Công ty TNHH Quang Trung, 1 bến cảng của Công ty Cổ phần Hóa chất GAMA Thanh Hóa...

Ngoài đầu tư cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa cũng đang quy hoạch khu bến cảng Lễ Môn, cảng Quảng Châu với chức năng là bến vệ tinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đón nhận tàu tổng hợp, hàng lỏng trọng tải đến 2.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với tĩnh không công trình vượt sông; cảng Lạch Sung, Quảng Nham với chức năng phục vụ nhu cầu phát triển khu công nghiệp sau cảng, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng; đón nhận cỡ tàu tàu trọng tải đến 7.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Tiến Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load