(Xây dựng) - Theo quy hoạch, Thanh Hóa có 91 cụm công nghiệp (CCN). Đến nay đã có 39 CCN được thành lập, với tổng diện tích 1.447,39ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10 nghìn tỷ, các CCN sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay đã có 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng tại CCN Bắc Hoằng Hoá và tỷ lệ phủ đầy thông qua hợp đồng thuê đất và nguyên tắc với các doanh nghiệp là 100%. |
Theo số liệu thống kê, hiện nay mới chỉ có 5/39 CCN được thành lập cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng theo giai đoạn, đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại; 5 CCN đang được đầu tư hạ tầng; 7 CCN đang hoàn thành các thủ tục đầu tư (giai đoạn giải phóng mặt bằng thuê đất); 13 CCN đang được hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, đang chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất; 5 CCN mới thành lập và số còn lại chậm tiến độ đang phải xem xét thu hồi dự án.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, tình hình thu hút đầu tư phát triển CCN trên địa bàn còn hạn chế do một số nguyên nhân như: Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho CCN còn hạn chế; nhiều CCN gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư kinh doanh hạ tầng do thiếu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện… vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được chú ý trong quá trình xây dựng nên hầu kết các CCN chưa có hệ thống xử lý môi trường.
Qua đó, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Sở, ngành cấp tỉnh đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các CCN. Điển hình như huyện Hoằng Hóa, trên cơ sở quy hoạch phát triển CCN, UBND huyện đã tổ chức lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở để triển khai thực hiện và quản lý quy hoạch. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình lập hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng và tăng cường hỗ trợ thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào CCN.
Đáng chú ý, CCN Bắc Hoằng Hóa do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Hóa là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng đã cơ bản hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1, đang tiếp tục đầu tư hạ tầng giai đoạn 2, với tổng vốn đầu tư khoảng 240 tỷ đồng.
Trái ngược với CCN Bắc Hoằng Hóa thì CCN Thắng Thái lại chưa có doanh nghiệp thứ cấp nào đầu tư xây dựng. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Vũ Hồng Sơn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Hóa cho biết: Hiện tại, cả hai giai đoạn của CCN Bắc Hoằng Hóa đã có 7 doanh nghiệp thứ cấp ký hợp đồng thuê đất và hợp đồng nguyên tắc (với tỷ lệ lấp đầy 100%), trong đó 2 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng, các nhà đầu tư thứ cấp còn lại đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý và tiến hành đầu tư xây dựng.
“Để các doanh nghiệp thứ cấp ký hợp đồng thuê đất và hợp đồng nguyên tắc lấp đầy được 100% CCN đó là uy tín, cách làm của công ty và trách nhiệm đối với doanh nghiệp thứ cấp. Chúng tôi luôn đồng hành với các doanh nghiệp thứ cấp tháo gỡ khó khăn khi muốn đầu tư vào CCN của chúng tôi. Và để đạt được kết quả đó là sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh Thanh Hóa, sự giúp đỡ nhiệt tình của UBND huyện Hoằng Hóa trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện nay tại CCN Bắc Hoằng Hóa còn vướng khoảng 7.000m2 đất chưa giải phóng xong, chúng tôi mong muốn UBND huyện Hoằng Hóa vào cuộc quyết liệt hơn nữa để chúng tôi sớm hoàn thành” - ông Sơn chia sẻ kinh nghiệm.
Thảo Chi
Theo