(Xây dựng) – Những năm qua, Thái Nguyên luôn là một trong những tỉnh đứng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc về sản xuất công nghiệp, trong những tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn được duy trì và tăng trưởng ấn tượng.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải thăm, động viên người lao động tại xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần Phụ tùng máy số 1. |
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước do dịch bệnh hoành hành song sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phát huy vai trò là động lực của toàn ngành. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ, bằng 100,38% kế hoạch. Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Những tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có khởi sắc. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tháng 2 lại trùng với nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng với giải pháp phù hợp, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã bắt nhịp đi vào sản xuất ngay trong những tháng đầu năm nên kết quả sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì và có chiều hướng phát triển tốt. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu 2 tháng đầu năm 2022 đạt sản lượng tăng so với cùng kỳ là: Điện thương phẩm tăng 5,7%; xi măng tăng 12,5%; sản phẩm may mặc tăng 25,4%;các sản phẩm điện tử công nghệ cao cũng tăng trên 10%. Đặc biệt, các sản phẩm có sản lượng tăng cao như: Thiết bị và dụng cụ y tế (tăng 42,4%); vonfram và sản phẩm của vonfram (tăng 64,5%)…
Năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều cơ hội thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen. Việc lựa chọn đầu tư, sắp xếp lại chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu tạo cơ hội cho nước ta có điều kiện tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là chuyển đổi số, thu hút hợp tác về cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường xuất khẩu...
Tỉnh Thái Nguyên chủ trương phát triển công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và một số chuyên ngành có giá trị gia tăng lớn mà tỉnh có lợi thế như: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn; công nghiệp vật liệu mới; công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới; công nghiệp hạ tầng (sản xuất và phân phối điện, xử lý môi trường và chất thải). Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường và năng suất lao động cao. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các lợi thế của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực trình độ cao, vị trí trung tâm vùng. Mục tiêu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 920.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt 9%/năm trở lên.
Sản xuất điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Samsung Thái Nguyên. |
Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó trọng tâm là: Đẩy nhanh việc hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu - cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; Ưu tiên hạ tầng kết nối liên kết vùng để tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào tỉnh; Phát huy nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia; Khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như ngành cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, liên kết với hợp tác xã, hộ gia đình, gắn với vùng nguyên liệu và các dự án sử dụng nhiều lao động vào khu vực nông thôn để giải quyết việc làm cho người lao động, hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với cơ chế thị trường. Phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh tích cực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp; thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Những kết quả đã đạt được cùng với chủ trương đúng đắn, giải pháp đồng bộ sẽ là nền tảng, tiền đề để công nghiệp Thái Nguyên tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, từng bước hình thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Việt Hoan – Tiến Thành
Theo