(Xây dựng) – Với quyết tâm nâng cao chỉ số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để tiến tới thăng hạng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCI tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã quyết liệt trong chỉ đạo với mục tiêu: Năm 2023, đưa Thái Nguyên lọt vào Top 20 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất cả nước về chỉ số PCI.
Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Nguyên được đầu tư khang trang, khoa học, ngày càng tạo được sự hài lòng tốt hơn của người dân và doanh nghiệp khi đến làm việc. |
PCI Thái Nguyên chưa tương xứng với vị thế, tiềm lực, kỳ vọng của địa phương.
PCI là tiếng nói của khu vực tư nhân về chất lượng điều hành của chính quyền cấp tỉnh, đây cũng là khu vực đông đảo nhất trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm tới 97-98% số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế. Do vậy, cũng như các tỉnh trong cả nước, để không ngừng năng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, những năm gần đây, Thái Nguyên đã liên tục có nhiều cải cách vượt bậc, không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, tạo ra môi trường đầu tư cạnh tranh lành mạnh, công bằng, thu hút được đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến làm việc, gắn bó lâu dài với địa phương.
Nhờ các chính sách cởi mở, thông thoáng, môi trường đầu tư thuận lợi mà các doanh nghiệp hoạt động tại Thái Nguyên sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả, đồng thời đánh giá cao việc chính quyền tỉnh cũng như chính quyền các địa phương, thường xuyên tổ chức các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh, lắng nghe và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của họ. Đáng chú ý là chi phí không chính thức của doanh nghiệp tiếp tục giảm.
Thái Nguyên là một trong những tỉnh đã có thứ hạng cao của cả nước về chỉ số PCI. |
Điển hình như năm 2020, Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chỉ số xếp hạng PCI (thăng 1 hạng so với năm 2019) và là địa phương dẫn đầu trong khu vực miền núi phía Bắc. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Thái Nguyên có một số chỉ số tăng điểm vượt bậc so với năm trước.
Có kết quả này là do Thái Nguyên đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI, trong đó tập trung tăng tốc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch, khách quan; khắc phục kịp thời những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của chính quyền các cấp gắn với giao nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu các sở, ngành, địa phương cũng như tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bất cập, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Cùng với đó trú trọng đẩy mạnh xây dựng chính quyền số hiện đại, chuyên nghiệp và đánh giá khách quan chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế chung.
Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên xếp thứ hạng 25/63 tỉnh, thành trong cả nước với số điểm đạt được là 66,10 điểm (tăng 1,29 điểm), tăng 3 bậc so với năm 2021 và nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Có 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm, trong đó chỉ số Gia nhập thị trường có điểm số và thứ hạng tăng cao nhất trong 10 chỉ số thành phần của Thái Nguyên. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, song nhìn chung, kết quả đó chưa tương xứng với vị thế, tiềm lực, kỳ vọng của địa phương.
Quyết liệt các giải pháp để thăng hạng
Rút kinh nghiệm từ thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCI tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã đề ra mục tiêu phấn đấu, Thái Nguyên phải lọt vào Top 20 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất về Chỉ số PCI năm 2023, đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tỉnh tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các nội dung đã triển khai, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND Thái Nguyên yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát giải quyết dứt điểm, hiệu quả những vướng mắc mà các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã phản ánh; thường xuyên đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức Hội, Hiệp hội doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCI tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng khẳng định sẽ xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. |
Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan căn cứ kết quả đánh giá xếp hạng Chỉ số PCI năm 2022, cụ thể là các chỉ tiêu, chỉ số thành phần có điểm số thấp, đặc biệt là các chỉ tiêu giảm điểm thấp hơn các năm trước liên quan đến trách nhiệm của ngành, lĩnh vực tham mưu quản lý phải nghiêm túc đánh giá chỉ ra các mặt hạn chế, khuyết điểm, xây dựng nhiệm vụ cụ thể để nâng cao điểm số các chỉ số thành phần PCI năm 2023 và các năm tiếp theo, đồng thời chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.
Người đứng đầu các Sở, ban, ngành, cấp huyện, cấp xã phải quán triệt, triển khai ngay tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đến cán bộ, công chức trong cơ quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm công vụ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đất đai, xây dụng, đầu tư, chỉ ra được nguyên nhân để giải quyết kịp thời, thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc việc điều động, luân chuyển, thay đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức trong lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCI tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng kiểm tra đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Nguyên. |
Cùng với đó, cần khuyến khích nhân rộng mô hình Hội, Chi hội doanh nhân trên địa bàn phường, xã để tăng cường mối quan hệ trực tiếp giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp và doanh nhân của địa phương, xây dựng mối quan hệ, trao đổi thông tin chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Hiệp hội, Hội doanh nghiệp tỉnh và hội doanh nghiệp các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp về việc đánh giá chỉ số PCI một cách khách quan, trung thực, chính xác, đồng thời tiếp tục tăng cường sự kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các cấp.
Toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền.
Khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Công khai, minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và thu hút đầu tư.
Với quyết tâm nâng cao chỉ số PCI không những để thăng hạng, mà Thái Nguyên đang đặt ra kỳ vọng với mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hoàn hảo, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Thái Nguyên nhiều hơn nữa, đó cũng chính là tiền đề, động lực để Thái Nguyên phát triển toàn diện, mạnh mẽ, xứng tầm với tiềm năng, vị thế thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc thủ đô Hà Nội và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc
Việt Hoan
Theo