(Xây dựng) – Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và căn cứ vào các điều kiện thực tế của địa phương, Thái Nguyên đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 97% số xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Xây dựng Nông thôn mới đã làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội… người dân phường Tân Hương, thành phố Phổ Yên. |
Theo báo cáo của đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, mục tiêu xây dựng Nông thôn mới đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện Nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng từ 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới theo các tiêu chí Nông thôn mới do UBND cấp tỉnh quy định.
Tại tỉnh Thái Nguyên, từ khi triển khai phong trào xây dựng Nông thôn mới, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 109/137 xã đã có quyết định công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm 79,5%, trong đó 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 63 xóm đạt xóm Nông thôn mới kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, gồm: Thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thành phố Phổ Yên.
Tổng nguồn vốn đã giao hỗ trợ thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 386,45 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của các địa phương chưa đạt so với yêu cầu đề ra. Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến nay trong 10 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới còn 2 xã mới đạt 10 tiêu chí, 07 xã đạt dưới 15 tiêu chí; trong 8 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao còn 01 xã đạt dưới 10 tiêu chí, 5 xã đạt dưới 15 tiêu chí; trong 4 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu còn 3 xã đạt dưới 15 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng chưa hoàn thành...
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào xây dựng Nông thôn mới trong thời gian tới, mới đây, HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng đã họp, nhất trí thông qua điều chỉnh nội dung Đề án xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025. Trong đó riêng về kinh phí, HĐND tỉnh Thái Nguyên quyết nghị điều chỉnh tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến từ 52.559 tỷ đồng lên 53.579 tỷ đồng (tăng thêm 1.020 tỷ đồng so với Đề án đã được phê duyệt); trong đó ngân sách Trung ương là 1.451 tỷ đồng (tăng thêm 220 tỷ đồng) và ngân sách địa phương 2,094 tỷ đồng (tăng thêm 268 tỷ đồng so với Đề án đã được duyệt)…
Nhiều tuyến đường nội đồng tại huyện Phú Bình được bê tông hóa nhờ phong trào hiến đất làm đường Nông thôn mới. |
Cùng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy sáng kiến và những chính sách xây dựng Nông thôn mới phù hợp với thực tiễn địa phương, Thái Nguyên đặt ra mục tiêu phấn đấu, đến hết năm 2025 có trên 97% số xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 10% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; Có thêm 4 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, lũy kế đến hết năm 2025 tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng Nông thôn mới, trong đó có 1 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; Bình quân tiêu chí toàn tỉnh theo bộ tiêu chí về xã xây dựng Nông thôn mới đạt 18,6 tiêu chí/xã.
Việt Hoan
Theo