Thứ bảy 27/04/2024 21:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Thái Nguyên: Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 11.600 doanh nghiệp

15:12 | 12/10/2023

(Xây dựng) – Tỉnh Thái Nguyên luôn ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp với sự phát triển bền vững của tỉnh, chính vì thế Thái Nguyên luôn có các các chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 11.600 doanh nghiệp.

Thái Nguyên: Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 11.600 doanh nghiệp
Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo là một trong các doanh nghiệp điển hình tại Thái Nguyên, duy trì sản xuất hiệu quả và tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2023, toàn tỉnh có 1.134 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt gần 13,2 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có 359 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng và 673 doanh nghiệp đóng mã số thuế, tăng 34,9% so với cùng kỳ. Một tín hiệu tích cực là trong 9 tháng năm 2023, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới giảm 1,9% so với cùng kỳ nhưng số vốn bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới tăng 83,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đã quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha. Trong đó có 14 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 64 dự án tạo việc làm cho khoảng 11.190 lao động; có 21/41 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký đầu tư hạ tầng là 5.701 tỷ đồng.

Về số lượng doanh nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 9.200 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là trên 133.960 tỷ đồng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn chung, song các doanh nghiệp Thái Nguyên đã khắc phục hoạt động hiệu quả. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Khi được hỏi đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2023 so với quý II/2023, có 37,88% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, do triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: Triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, giảm mặt bằng lãi suất cho vay...; 25,76% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 36,36% doanh nghiệp nhận định tình hình không thay đổi.

Dự kiến quý IV/2023 so với quý III/2023, có 39,39% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 34,85% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 25,76% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 85,71% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 80% và 70,46%.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu luỹ kế đến năm 2025 sẽ có 11.600 doanh nghiệp; trong đó 4.100 doanh nghiệp đăng ký mới, tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 57.370 tỷ đồng. Tỉnh cũng định hướng tập trung phát triển các doanh nghiệp số, có ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, tháng 9 năm 2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp công nghệ số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn sẽ có 700 doanh nghiệp số và đến năm 2030 có 3.000 doanh nghiệp số. Đồng thời, khai thác hiệu quả và thu hút đầu tư để lấp đầy diện tích Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình; phấn đấu phổ cập mạng di động 5G trên địa bàn tỉnh, kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh.

Việt Hoan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load