(Xây dựng) - Một thời, câu ca “Những người lử khử, lừ khừ/chẳng ở Đại Từ cũng ở Võ Nhai” đã được ví như một “đặc trưng” nhận diện con người của vùng đất Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với gian nan, vất vả, đói nghèo… Trải qua bao tháng năm xây dựng và phát triển, huyện Đại Từ đã thay da đổi thịt, trở thành một trong những huyện mạnh của tỉnh Thái Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Minh Tiến, huyện Đại Từ. |
Một trong rất nhiều nguyên nhân đưa Đại Từ đổi thay là nhờ huyện này đã làm tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tạo ra bước thay đổi mạnh mẽ ở khắp 30 xã, thị trấn của huyện với cơ sở hạ tầng nông thôn có bước phát triển lớn, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.
Để có được kết quả này, huyện Đại Từ đã chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực thực hiện xây dựng Nông thôn mới, sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những hạng mục, công trình thiết yếu, phục vụ lợi ích cộng đồng và gắn với hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới.
Cùng với đó, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, qua đó, đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, tổng nguồn vốn Đại Từ huy động cho xây dựng Nông thôn mới tại địa phương đã lên đến con số trên 916 tỷ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới gần 157 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác trên 588 tỷ đồng; các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đóng góp trên 11 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 160 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải phóng mặt bằng... tạo “làn sóng” đầu tư vào huyện tăng cả về số lượng nhà đầu tư và số vốn đầu tư đăng ký.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư các dự án khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh… cho 58 dự án trên địa bàn.
5 năm qua, Đại Từ có kinh phí làm đường giao thông 650 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa phòng học 2.200 tỷ đồng; đầu tư xây dựng đường điện 701,7 tỷ đồng; xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa xóm 165 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc 105 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa trạm y tế 35 tỷ đồng; đầu tư, xây dựng, nâng cấp chợ 15 tỷ đồng...
Kết quả là sự hiện diện khang trang của những công trình như dự án Khu đô thị kiểu mẫu số 1 thị trấn Hùng Sơn và chợ trung tâm huyện Đại Từ. Nhiều dự án Khu dân cư cũng được triển khai như: 1A, 1B, Đồng Khốc, Bán Luông, trung tâm xã Phú Thịnh, Long An, dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị sân vận động trung tâm huyện… cùng các công trình trọng điểm như: Mở rộng khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7; không gian văn hóa trà; trung tâm văn hóa các dân tộc huyện Đại Từ...
Đến nay, huyện đã ký kết 3 hợp đồng thực hiện dự án đầu tư ngoài ngân sách, đang hoàn thiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 5 dự án, đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 14/51 dự án, đang thực hiện trình tự thủ tục lập quy hoạch chi tiết 18 dự án.
Song song với phát triển hạ tầng các khu dân cư, những năm gần đây, Đại Từ đã có bước phát triển đồng bộ về giao thông, kết nối tương đối liên hoàn các xã, thị trấn. Đến nay, Đại Từ đã đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng được trên 755km đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, huyện xây dựng, sửa chữa 930 phòng học; 60 công trình thủy lợi; 40km kênh mương; 23 nhà văn hóa xã; 170 nhà văn hóa xóm; 14 trụ sở làm việc; 8 trạm y tế.
Nhờ vậy, đến thời điểm này toàn huyện đã có 15/28 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, bình quân các xã đạt từ 16 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Về xã Minh Tiến những ngày này, có thể cảm nhận rõ đổi thay trong diện mạo Nông thôn mới ở vùng quê nơi đây. Những tuyến đường liên thôn, liên xóm được đổ bê tông rộng và đẹp. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, những ngôi nhà mới mọc lên ngày càng nhiều.
Ông Dương Văn Bảo - Chủ tịch UBND xã Minh Tiến chỉ ra những giải pháp cụ thể: “Đối với tiêu chí giao thông, chúng tôi đang tích cực triển khai, đôn đốc công tác chuẩn bị cho đầu tư công để hoàn thành các tuyến đường giao thông. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, chúng tôi thực hiện xây mới 7 nhà văn hóa xóm và sửa chữa 3 nhà, đến thời điểm này, tiến độ đang đảm bảo và cố gắng hoàn thành trong tháng 8/2020. Đối với tiêu chí nhà ở dân cư, chúng tôi đang tích cực kêu gọi các nguồn đầu tư, hỗ trợ và động viên nhân dân tu sửa nhà cửa, chỉnh trang xây mới để hoàn thành tiêu chí trong năm 2020”.
Ông Nguyễn Văn Đồng - người dân xóm 1 Tân Hợp, xã Minh Tiến chia sẻ: “Khi Nhà nước mở mang phát triển Nông thôn mới, gia đình tôi đã được hưởng lợi từ đó, phục vụ việc đi lại của gia đình”.
Đại Từ hôm nay đang “thay da đổi thịt” từng ngày nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Theo lãnh đạo địa phương, để hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt hiệu quả đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà điều quan trọng hơn cả làm nên những thành công đó phải kể đến sức người, sức dân - những chủ thể của phong trào này.
Nguyễn Thành
Theo