(Xây dựng) – Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu thực hiện tăng trưởng kinh tế 8%. Đó cũng là quyết tâm được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đề cập ngay từ những ngày đầu năm 2022 khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng kiểm tra một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. |
Mặc dù không tránh khỏi những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với những giải pháp linh hoạt, phù hợp, sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân và nhân dân, năm 2021 kinh tế - xã hội của Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng bứt phá... Trong 25 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021, có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu về kinh tế tiếp tục duy trì ở mức cao và nằm trong Top đầu của cả nước.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,56%, cao gấp 2 lần bình quân chung của toàn quốc; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người mặc dù chưa đạt kế hoạch nhưng trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế vẫn đạt 95,1 triệu đồng/người, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020, cao hơn bình quân chung cả nước (64,5 triệu đồng/người/năm). Thái Nguyên cũng nằm trong Top 10 địa phương có thu nhập bình quân lao động trong doanh nghiệp cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố, đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng.
Về kết quả thu ngân sách, với 18.000 tỷ đồng, Thái Nguyên nằm trong số 20 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất toàn quốc, vượt trên 4.700 tỷ đồng so với kế hoạch Chính phủ giao, vượt trên 1.500 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao. Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%. Giá trị xuất khẩu đạt trên 28,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 2,4% so với kế hoạch, tiếp tục duy trì thứ hạng thứ 4/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội.
Kết thúc năm 2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt trên 105% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn năm 2021 đạt 52 nghìn tỷ đồng, tăng 10%. Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào tỉnh. Nhiều dự án đã được khởi công, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2021, mang lại động lực tăng trưởng cho kinh tế của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 171 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 9,67 tỷ đô la Mỹ và 817 dự án đầu tư ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 200 nghìn tỷ đồng, đây chính là những động lực quan trọng cho tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh: Với các kết quả đã đạt được trong năm 2021, Thái Nguyên đặt chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là 8%. Đây là một chỉ tiêu cao thể hiện sự quyết tâm chính trị lớn trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở phân tích khách quan, toàn diện quy mô nền kinh tế, các điều kiện bảo đảm và có ý nghĩa cho việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025. Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã đề ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp trong đó tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, có tính chất đột phá, cụ thể như:
Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Xây dựng, hoàn thiện và triển khai kịp thời, có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo hiệu quả, toàn diện, trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo quy định của Luật Quy hoạch.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là về hạ tầng giao thông, góp phần phát triển liên kết vùng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trong và ngoài ngân sách, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; trong đó giao chất lượng, tiến độ cụ thể gắn với trách nhiệm của các ngành, các cấp. Tiếp tục cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên để phục vụ đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
Thái Nguyên đặt quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2022. |
Phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; tận dụng tốt mọi cơ hội phát triển, nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ngay từ những ngày đầu, giờ đầu năm mới, đặc biệt là sự quyết tâm cao những người lãnh đạo đứng đầu tỉnh Thái Nguyên với quan điểm “chủ trương đúng - đồng thuận cao - hành động quyết liệt”. Tin tưởng năm 2022, Thái Nguyên sẽ giữ vững đà tăng trưởng kinh tế đúng như mục tiêu đã đề ra.
Việt Hoan
Theo