Thứ tư 15/01/2025 18:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Thái Nguyên: Chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao đời sống của người dân trong xây dựng nông thôn mới

08:20 | 27/06/2020

(Xây dựng) - Ngày 26/6, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Thái Nguyên: Chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng cao đời sống của người dân trong xây dựng nông thôn mới
Xã La Bằng, huyện Đại Từ đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ nhiều năm nay.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có 103 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 72%; có 25 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (2019); 183 ý tưởng, sản phẩm đăng ký phát triển và tham gia đánh giá xếp hạng OCOP 2020.

Rà soát theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh Thái Nguyên còn 11 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 29 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí, 23 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng đã bổ sung thêm 2 xã Tân Thành và Bàn Đạt (huyện Phú Bình) vào kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Là năm cuối thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như:

Tiến độ thực hiện chương trình còn chậm so với yêu cầu; kết quả giải ngân nguồn vốn đạt thấp; một số tiêu chí, chỉ tiêu ở các xã chưa cao, chưa thực sự bền vững; các xã chủ yếu tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là làm đường giao thông, chợ, nhà văn hóa...; chưa quan tâm đúng mức đến tổ chức liên kết các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nên chưa tạo được bước đột phá và chuyển biến rõ nét trong phát triển sản xuất; việc triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng vùng, điều chỉnh, bổ sung đồ án quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới còn chậm; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến thực hiện Chương trình OCOP…

Đánh giá về những kết quả đạt được, ông Dương Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đến thời điểm hiện tại, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên đã vượt 3 xã theo chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị các sở, ngành căn cứ chức năng chủ động phối hợp với các huyện rà soát các tiêu chí để hỗ trợ các địa phương còn khó khăn; tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.

Khẩn trương rà soát, phân loại các văn bản không còn phù hợp với tình hình thực tế và tham mưu cho UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung kịp thời đúng với quy định, đáp ứng yêu cầu thực tế; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới; phân bổ nguồn xi măng cho các địa phương, ưu tiên cho các địa phương thực hiện nhanh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên cũng giao Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các địa phương xây dựng đề án nông thôn mới 2021 - 2025, chú trọng đến nâng cao chất lượng các tiêu chí, góp phần nâng cao đời sống của người dân, cơ cấu hiệu quả ngành Nông nghiệp, ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP.

Đối với nhóm xã chưa đạt theo tiêu chí 2017 - 2020 cần rà soát lại, có đề xuất cụ thể. Đồng thời nâng cấp về chất lượng đối với các xã đã được công nhận nông thôn mới từ năm 2014. Đặc biệt, đối với các địa phương cần tập trung đẩy nhanh việc giải ngân các nguồn vốn; quan tâm bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao nhất.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load