(Xây dựng) – Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành kịp thời nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo điều hành để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân đầu tư công.
Đoàn công tác thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình khảo sát thực tế dự án tuyến đường ven biển tỉnh Thái Bình. |
Theo báo cáo của UBDN tỉnh Thái Bình với Đoàn công tác thành viên Chính phủ do ông Trần Văn Sơn - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Trưởng đoàn, 9 tháng của năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,77% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,4%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện gần 17.100 tỷ đồng, đạt 81,3% dự toán; tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện gần 15.500 tỷ đồng, đạt 92,2% dự toán, trong đó thu nội địa ước thực hiện gần 5.147 tỷ đồng, đạt 45,3% dự toán. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3 tỷ 362 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng nguồn vốn đầu tư công ước thực hiện giải ngân 4.236 tỷ đồng, đạt 86,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỉnh Thái Bình cũng tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Đến ngày 30/9, toàn tỉnh có 92 dự án đầu tư được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm 11.614 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 585 triệu USD.
Ông Trần Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc. |
Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Thái Bình đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực như: phát triển nhà ở, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư, khu kinh tế và khu công nghiệp, công thương, nông nghiệp, nông thôn, tài chính, thuế.
Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi làm việc. |
Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, tỉnh Thái Bình đã và đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng giao thông kết nối, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình đạt được trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay; đồng thời, gợi mở một số vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, phát triển giao thông, khai thác, sử dụng quỹ đất hợp lý, hiệu quả để tỉnh Thái Bình nghiên cứu, thực hiện.
Đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: chú trọng xây dựng hạ tầng tạo đột phá; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; hoàn thiện quy hoạch tỉnh; thực hiện tốt công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Văn Đạt
Theo