(Xây dựng) – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi; chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2022.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. Chủ động bố trí kinh phí để thực hiện, nhất là các nội dung đã đến hạn hoặc quá hạn; xây dựng phương án ứng phó với thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho từng đập, hồ chứa nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Cụ thể, huy động mọi nguồn lực của địa phương chủ động xử lý những sự cố đê điều, thủy lợi mới phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ thêm các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố có thể xảy ra khi có lũ, bão. Đối với những sự cố đê điều đã xảy ra trong các mùa lũ bão trước cần đặc biệt quan tâm và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành việc xử lý, lập phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa lũ, bão năm 2022.
Đồng thời, kiểm tra đánh giá toàn bộ hệ thống công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn, phát hiện, xử lý ngay giờ đầu các hư hỏng, sự cố đê điều phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ bão. Bố trí các nguồn lực của địa phương, Trung ương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng những công trình đột xuất, cấp bách bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo phòng, chống thiên tai. Kịp thời đưa các công trình vào chống lũ, bão năm 2022.
Nhằm chủ động ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, đảm bảo an toàn các cống dưới đê trong lũ, bão cần phải xây dựng phương án bảo vệ cụ thể để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra; trong đó, cần đặc biệt quan tâm trong quá trình vận hành, chuẩn bị đầy đủ các phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý các sự cố có thể xảy ra trong suốt mùa mưa, lũ bão đối với các cống yếu, các cống là trọng điểm xung yếu, các cống có khẩu độ lớn.
Tổ chức, kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các cống dưới đê để phát hiện các cống yếu, các cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt cống tạm thời hoặc vĩnh viễn đối với các cống không đảm bảo an toàn. Đối với các cống xung yếu phải có phương án bảo vệ do cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao nhiệm vụ cụ thể cho tổ chức, cá nhân chủ động chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo lực lượng chuyên trách quản lý đê điều thường xuyên kiểm tra, phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo quy định, phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm.
Phượng Nguyễn
Theo