(Xây dựng) – Thời gian qua, UBND quận Tây Hồ đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp có phương tiện thủy nội địa chấp hành di dời ra khỏi Hồ Tây. Nhưng tới nay vẫn còn 3 du thuyền và 1 sàn nổi cũ vẫn đang neo đậu ở khu vực Đầm Bảy (Hồ Tây) ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường đô thị. Sở Giao thông vận tải và UBND quận Tây Hồ đã thiết lập hồ sơ, quy trình cưỡng chế hành chính để tổ chức thực hiện tháo dỡ, di dời triệt để ra khỏi Hồ Tây theo chỉ đạo của UBND Thành phố trong quý I/2023.
Tàu và sàn nổi của Công ty Cổ phần Sông Potomac vẫn đang nằm “im lìm” trên mặt nước Hồ Tây. |
Thực hiện chủ trương của Thường trực Thành ủy Hà Nội tại Thông báo số 435-TB/TU ngày 26/10/2016 và Thông báo số 525-TB/TU ngày 17/01/2017; Thông báo số 38/TB-UBND ngày 07/02/2017 của UBND Thành phố về Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây và giải quyết kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh ở khu vực Hồ Tây của các doanh nghiệp.
UBND quận Tây Hồ đã ban hành các văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có phương tiện thủy nội địa ngừng kinh doanh, di chuyển các phương tiện thủy về địa điểm tập kết tại khu vực tiếp giáp Đầm Bẩy, phường Nhật Tân và thực hiện di dời ra khỏi Hồ Tây.
Sau hơn 5 năm tập kết các phương tiện tàu thuyền cũ về khu vực Đầm Bảy, Quận ủy, UBND quận Tây Hồ, cùng lực lượng chức năng, đơn vị có liên quan đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp có phương tiện thủy nội địa chấp hành di dời ra khỏi Hồ Tây. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 2 doanh nghiệp với 4 phương tiện tàu thuyền cũ chưa chấp hành di dời. Cụ thể: Công ty Cổ phần Sông Potomac có 1 sàn nổi và 1 tàu, phần sàn hiện đã chìm một phần đáy; Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây có 2 tàu là Nàng Tiên Cá 1 và Nàng Tiên Cá 2 (Taboo).
2 tàu là Nàng Tiên Cá 1 và Nàng Tiên Cá 2 (Taboo) của Công ty Cổ phần Nhà nổi Hồ Tây cũng chưa được di dời khỏi Hồ Tây. |
Ông Nguyễn Ngọc Kim - một người dân sinh sống gần khu vực Đầm Bảy cho biết: Suốt thời gian dài tập kết các phương tiện tàu thuyền cũ ở khu vực này làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường ở Hồ Tây. Khi biết Thành phố Hà Nội và quận Tây Hồ có chủ trương di dời số tàu thuyền này, bản thân tôi rất phấn khởi và đánh giá cao nỗ lực của chính quyền các cấp. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số phương tiện vẫn đang nằm “chình ình” chưa chịu tháo dỡ, rất mong trong thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục có những giải pháp để di dời hết, trả lại môi trường trong sạch, cảnh quan đẹp đẽ của Hồ Tây.
Theo đại diện UBND quận Tây Hồ, hiện còn 04 phương tiện (03 tàu và 01 sàn) của 02 doanh nghiệp chưa chấp hành di dời; Sở Giao thông vận tải và UBND quận Tây Hồ đã thiết lập hồ sơ, quy trình cưỡng chế hành chính để tổ chức thực hiện tháo dỡ, di dời triệt để ra khỏi Hồ Tây theo chỉ đạo của UBND Thành phố trong quý I/2023. Chi phí tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ, di dời do doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả.
Có thể nói, Hồ Tây là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Vì vậy, việc di chuyển các tàu thuyền cũ ra khỏi khu vực hồ là một chủ trương đúng đắn của Thành ủy, chính quyền Thành phố Hà Nội nhằm trả lại nguyên vẹn cảnh quan vốn có của Hồ Tây. Trong thời gian tới, đề nghị chính quyền các cấp và lực lượng chức năng kiên quyết thực hiện các biện pháp hành chính để tháo dỡ, di dời các phương tiện ra khỏi Hồ Tây để không làm ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan đô thị.
Khánh Hòa – Tiến Hào
Theo