Còn khoảng 3 tuần nữa là khép lại năm 2024. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang tập trung cao nhất nhằm hoàn thành và vượt kế hoạch mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Nhật Nam |
Bức tranh sáng đều
Nhìn vào số liệu thống kê có thể thấy, năm 2024, bức tranh kinh tế Việt Nam sáng đều. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2024, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023, nền kinh tế xuất siêu hơn 24 tỷ USD giá trị hàng hóa.
Cũng theo số liệu thống kê, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 11 tháng năm 2024 đạt 31,38 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Còn trong nước, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2024 đạt hơn 218,5 nghìn đơn vị, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện tại, dù chưa có con số cuối cùng nhưng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 7%, tức cao hơn chỉ tiêu đề ra (6-6,5%). Trong đó, dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu sẽ đạt hoặc vượt kế hoạch. Với kết quả này, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm số ít quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới.
Điểm đáng chú ý là các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá. Công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng. Dịch vụ phục hồi tốt; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch phát triển mạnh. Đặc biệt, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng.
Nhiều tổ chức cũng có đánh giá tương đồng về vấn đề này. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tăng trưởng quý IV-2024 của nước ta ở mức 7,4% và tăng trưởng cả năm sẽ là 7%. Trong khi đó, Ngân hàng HSBC cho rằng, khu vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng dự báo Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam có thể tăng 7% trong năm 2024.
Tạo đột phá với các động lực tăng trưởng mới
Bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược gay gắt; xung đột leo thang ở một số khu vực… Các chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ làm giá hàng hóa cơ bản biến động mạnh; kinh tế, thương mại phục hồi chậm; tổng cầu, đầu tư toàn cầu sụt giảm; tỷ giá, lãi suất biến động khó lường... Thực tế này đặt ra yêu cầu giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh ngoài dự báo, nhất là những diễn biến liên quan đến chính sách tiền tệ, tài khóa, bên cạnh việc ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề, kéo dài tại nhiều địa phương.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đang tập trung đôn đốc, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; quyết tâm giải ngân 95% kế hoạch. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; thành lập các tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” phát sinh từ thực tiễn.
Đáng ghi nhận là, một số hoạt động gần đây cho thấy tính linh hoạt, năng động và rất chủ động của Chính phủ nhằm nâng cao vị thế, sức hấp dẫn của Việt Nam trong hợp tác đầu tư quốc tế. Đơn cử là sự kiện ký thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo của NVIDIA và Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Đồng thời, để tháo gỡ các "điểm nghẽn", nhất là về hạ tầng giao thông, nguồn lực, thể chế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí, tiêu cực, như: Đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản… Điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển cũng như hấp dẫn đầu tư.
Từ thực tế và kết quả sáng sủa của năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 là 7-7,5% nhưng Chính phủ đã xác định mục tiêu cao hơn, với tinh thần phấn đấu quyết liệt, bứt phá để nâng mức tăng trưởng lên khoảng 8%.
Sự chuẩn bị cho bước nhảy vọt là rất cần thiết, với yêu cầu rất cao, liên quan đến nhiều quyết sách, lĩnh vực quan trọng, cũng như yêu cầu đáp ứng nhanh, nhằm chớp cơ hội đầu tư, phát huy tối đa nguồn lực, tận dụng thời gian để thúc đẩy tăng trưởng. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tạo đột phá đối với các động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư vào lĩnh vực mới, công nghệ cao như bán dẫn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế số… là những giải pháp được ưu tiên.
Chú trọng thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng Năm 2024, kinh tế đã dần phục hồi, quý sau tốt hơn quý trước. Tuy vậy, sự phục hồi còn chậm, chưa vững chắc. Dù giải ngân vốn đầu tư công - động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế được chỉ đạo quyết liệt, song tỷ lệ giải ngân trong 11 tháng mới đạt 73,5%. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 5,8%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của các năm trước. Để đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2024, tạo nền tảng và tăng tốc cho năm 2025, Chính phủ và các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, có giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo sức lan tỏa thu hút vốn đầu tư tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Chính phủ và các địa phương cần chú trọng thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sử dụng hàng Việt Nam, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Cần hành động quyết liệt, hợp lực trên diện rộng Dù đã là tháng cuối cùng của năm 2024 nhưng các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tập trung tối đa năng lực, khai thác mọi cơ hội để bứt tốc tăng trưởng kinh tế. Đáng ghi nhận là từ đầu năm đến nay, nền kinh tế đã đạt kết quả khả quan ở nhiều lĩnh vực quan trọng, như công nghiệp, thị trường nội địa, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, cũng như kiểm soát tốt lạm phát. Các cấp, ngành cần nắm bắt tình hình, nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp... Doanh nghiệp được phục vụ tốt và phát triển đồng nghĩa nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, việc giải ngân vốn đầu tư công cần phải quyết tâm hơn, tranh thủ từng ngày, từng giờ để thúc đẩy từng dự án. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng tốc sản xuất công nghiệp, tập trung cho xuất khẩu, chủ động mời gọi đầu tư nước ngoài, hỗ trợ đầu tư trong nước để "gối đầu" cho năm tới. Tóm lại, cần hành động quyết liệt, hợp sức trên diện rộng, tạo ra sự chuyển biến và từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May 10 - CTCP Vũ Đức Giang: Điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, kinh tế - chính trị ổn định. Hệ thống pháp luật hoàn thiện, tạo sự an tâm cho doanh nghiệp khi hoạt động. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất vượt trội của ngành dệt may Việt Nam cũng là một lợi thế cạnh tranh. Đội ngũ lao động lành nghề và giàu kinh nghiệm có thể đáp ứng các đơn hàng khó, yêu cầu chất lượng cao. Năm 2024 ngành dệt may Việt Nam giữ được mức tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%. Như vậy, toàn ngành xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý I-2025. Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 47-48 tỷ USD; chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Anh Minh - Thanh Hiền ghi |
Theo Hồng Sơn/hanoimoi.vn
Link gốc: https://hanoimoi.vn/tap-trung-cao-nhat-cho-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-686757.html