Thứ ba 03/12/2024 05:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Tạo sức bật phát triển hệ thống đường sắt đô thị

08:39 | 26/11/2024

Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Đây có thể coi là chiếc "chìa khóa vàng" mở cánh cửa giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thúc đẩy mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Tạo sức bật phát triển hệ thống đường sắt đô thị
Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Ảnh: Đỗ Tâm

Chậm tiến độ, đội vốn... vì rào cản

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200km. Như vậy, mục tiêu đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617km.

Kết luận số 49-KL/TƯ ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội (có tính kết nối với Vùng Thủ đô) vào năm 2035.

Xác định đường sắt đô thị là “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trong tờ trình Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8km; đến năm 2035 hoàn thành 301km và đến năm 2045 hoàn thành đầu tư xây dựng 196,2km. Sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư khoảng 55,442 tỷ USD, trong đó giai đoạn đến năm 2030 khoảng 16,208 tỷ USD; giai đoạn đến năm 2035 khoảng 20,966 tỷ USD; giai đoạn đến năm 2045 khoảng 18,268 tỷ USD.

Có thể khẳng định, đây là một thách thức rất lớn bởi sau nhiều năm nỗ lực triển khai đầu tư, đến thời điểm này, Hà Nội mới chỉ có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13km và đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội dài 8,5km hoạt động. Ngay ở hai dự án nói trên, để có thể đưa vào vận hành thương mại cũng phải mất 15-20 năm triển khai. Trong khi đó, tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Thượng Đình được chấp thuận đầu tư từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng và còn đang trong giai đoạn xin Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư.

“Thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy có rất nhiều bất cập. Bên cạnh vấn đề chậm tiến độ, các dự án còn bị đội vốn do phát sinh chi phí và khiếu nại của các nhà thầu làm tổng mức đầu tư tăng cao. Các tuyến đường sắt đô thị hiện nay (bao gồm các tuyến trong quy hoạch và các tuyến đã đưa vào khai thác) còn thiếu tính gắn kết với việc tái cấu trúc không gian đô thị, thiếu tính liên thông, kết nối với chính hệ thống giao thông; khó khăn trong việc tiếp cận các nhà ga cũng làm giảm đáng kể hiệu quả khai thác của loại hình giao thông vận tải khối lượng lớn này”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường chỉ rõ.

Tạo sức bật phát triển hệ thống đường sắt đô thị
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Đỗ Tâm

"Chìa khóa vàng" để phát triển đường sắt đô thị

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, Luật Thủ đô 2024 sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù.

Về hành lang pháp lý, Luật Thủ đô 2024 dành riêng Điều 31 để quy định về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bao gồm các nội dung như quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực TOD, đầu tư phát triển đường sắt đô thị và các cơ chế thu phí giá trị thặng dư từ đất trong khu vực TOD. Điều này giúp tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho các dự án đường sắt đô thị.

Theo Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh, TOD không chỉ là một giải pháp quy hoạch hiện đại, mà là chiến lược chủ đạo để thúc đẩy sự phát triển đô thị năng động, bền vững. Chính sách này không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất, mà còn giảm tắc nghẽn giao thông, giảm phát thải và cải thiện chất lượng không gian công cộng. TOD là “chìa khóa” để khai thác tiềm năng kinh tế tiềm ẩn, gia tăng giá trị đất đai và tạo điều kiện phát triển các trung tâm kinh tế mới. Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, tái tạo các khu vực trọng điểm trong thành phố thông qua việc tăng cường sử dụng đất và hoạt động đô thị có kế hoạch, đồng thời nâng cấp hạ tầng công cộng.

Đáng chú ý, Luật Thủ đô 2024 cho phép UBND thành phố Hà Nội có quyền quyết định các cơ chế, công cụ về quy hoạch và đầu tư mà không cần phải thông qua nhiều cấp, giúp rút ngắn thời gian và tăng tính chủ động trong việc triển khai các dự án. Cụ thể, trong luật có một số đột phá lớn như cho phép Thủ đô được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

“Các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đề cập trong Luật Thủ đô 2024 thực sự là những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai của ngành Giao thông vận tải cũng như khắc phục các tồn tại của Luật Thủ đô trước đây”, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Phan Trường Thành nhận định.

Theo Tuấn Lương/hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load