Chủ nhật 12/01/2025 05:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Tái thiết đô thị Hà Nội:

Tạo lập “cơ chế niềm tin” giữa ba bên

07:32 | 13/08/2024

Với nhiều đặc điểm tương đồng và yêu cầu cấp bách đặt ra trong tái thiết đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân của hai Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) và Hà Nội (Việt Nam), Giáo sư, Tiến sĩ Choi Jong-Kwon, chuyên gia nghiên cứu, hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng đô thị Hàn Quốc đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm tới các cấp quản lý và chuyên gia tại Hà Nội.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Choi Jong-Kwon về những nội dung liên quan.

Tạo lập “cơ chế niềm tin” giữa ba bên
Tòa nhà chung cư cũ G6A Thành Công (quận Ba Đình). Ảnh: Nguyễn Quang

- Ông có thể cho biết một số hoạt động hợp tác, làm việc của ông tại Việt Nam, cũng như thành phố Hà Nội trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị?

- Tới Việt Nam từ năm 2016, tôi có nhiều hoạt động hợp tác với Bộ Xây dựng và một số địa phương để triển khai dự án hỗ trợ chiến lược nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2018-2021; thực hiện dịch vụ điều tra pháp lý dự án thí điểm thành phố thông minh tại Đồng bằng sông Cửu Long các năm 2020-2021.

Đặc biệt, trong 2 năm 2022-2023, tôi đã chủ động chia sẻ với giới chuyên môn tại Hà Nội những tài liệu liên quan đến quy hoạch phát triển toàn diện Seoul tới năm 2040 (được công bố năm 2023) và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thực hiện bảo vệ môi trường lưu vực sông Hàn từ năm 1980 đến 2023; các chiến lược quy hoạch, kế hoạch tái thiết Seoul.Thông qua thực tiễn mà thành phố Seoul đã trải qua trong 70 năm (1950-2020), tôi đã tìm hiểu và bước đầu nhận diện những thách thức của Hà Nội hiện tại, đặc biệt là vấn đề an toàn cháy nổ, môi trường tại các khu đô thị nội đô, ven đô… có rất nhiều điểm tương đồng mà Seoul đã từng gặp phải.

Ngày 9-8 vừa qua, với tư cách là diễn giả chính, tôi đã tham dự tọa đàm do Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức, có sự góp mặt của lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, UBND quận Ba Đình và một số chuyên gia trong lĩnh vực này nhằm chia sẻ những vấn đề liên quan tới tái thiết đô thị, bảo vệ môi trường và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại các khu phố lịch sử.

- Những kinh nghiệm, bài học thành công từ quá trình tái thiết đô thị Seoul là gì, thưa ông?

- Năm 1950, toàn bộ thành phố Seoul đã bị chiến tranh tàn phá. Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa gia tăng nhanh chóng sau năm 1960 (tốc độ tăng trung bình 1,23%/năm), chính quyền Thủ đô Seoul phải liên tục ban hành các cơ chế, chính sách phát triển, quản lý các khu đô thị mới và đẩy mạnh các dự án cải tạo, tái thiết thủ đô. Thống kê từ năm 1973 đến 2022, đã có tổng cộng khoảng 73 dự án được thực hiện trên diện tích hơn 79 triệu mét vuông và tác động tới hơn 1,2 triệu hộ gia đình; đã có trên 657.000 căn hộ được bán và 151.000 căn hộ cho thuê. Số lượng căn hộ phá dỡ là trên 257.000…

Nhằm giải quyết những khó khăn ban đầu, Hàn Quốc đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn, củng cố lòng tin của người dân. Các doanh nghiệp tham gia được Chính phủ hỗ trợ chi phí ban đầu thực hiện dự án, bảo lãnh vay ngân hàng trong quá trình thi công và cũng được tạo cơ chế thuận lợi trong việc bán nhà trước khi hoàn công. Người dân sau di dời, theo đúng cam kết, được quay trở về nơi ở cũ tiếp tục sinh sống với chất lượng nhà bảo đảm, chất lượng sống nâng cao. Từ những dự án tái thiết, Chính phủ nhận về lợi ích được doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường xá, trường học, công viên…

- Vậy đâu là những khó khăn trong chỉnh trang, tái thiết đô thị mà Hà Nội đang gặp phải hiện nay và hướng tháo gỡ là gì?

- Theo quan điểm cá nhân của tôi, hiện có nhiều nguyên nhân đang gây khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình cải tạo, chỉnh trang các đô thị, chung cư cũ tại Hà Nội. Đó là thiếu quy định liên quan đến những dự án cải tạo như các cơ chế, chính sách, biện pháp khuyến khích đầu tư và hàng loạt khó khăn liên quan đến việc tạo lập kế hoạch, lựa chọn nhà đầu tư; thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư, thậm chí là phương án di dời nơi ở mới tạm thời cho chủ sở hữu, người đi thuê các nhà ở, căn hộ trong khu chung cư cũ.

Từ bài học của Seoul, Hà Nội muốn thực hiện thành công các dự án tái thiết cần xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm tất cả các bên tham gia đều đạt được lợi ích. Cụ thể, người dân sống trong những khu nhà chung cư cũ, nhà ở cũ được quay về sống trong nhà mới với chất lượng bảo đảm. Chính quyền các cấp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các dự án, bảo đảm để họ thực hiện thành công. Và chi phí liên quan đến hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực sẽ do doanh nghiệp thực hiện.

Tôi được biết, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù dành cho Hà Nội, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị. Với quyết tâm của thành phố, đặc biệt là tạo dựng, củng cố được “cơ chế niềm tin” giữa ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tôi hoàn toàn tin tưởng Hà Nội có đầy đủ những điều kiện cơ bản và chính sách để thực hiện dự án tái thiết đô thị theo cấu trúc có thể tham khảo được từ Hàn Quốc với nhiều điểm tương đồng.

Khi đó, người dân đô thị sẽ được sống trong những khu nhà chất lượng cao, môi trường sống bảo đảm an toàn. Hạ tầng thành phố được cải thiện đáng kể, đặc biệt là đường xá mở rộng, giải quyết ách tắc giao thông hiện nay… Khi những bài toán này được giải quyết, thành phố sẽ tăng tính cạnh tranh và sức hấp dẫn, phát huy đúng vị thế Thủ đô của đất nước. Đó là lợi ích lớn nhất mà các công cuộc tái thiết, chỉnh trang đô thị mang lại cho sự phát triển của Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bảo Hân thực hiện/Hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load