Thứ ba 12/11/2024 04:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

14:44 | 08/10/2024

(Xây dựng) - Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm, Bộ Công Thương xác định đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất để hình thành các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Sản xuất công nghiệp tháng 8/2024 tiếp đà tích cực. (Ảnh minh họa)

Sản xuất công nghiệp tiếp đà tích cực

Dẫn số liệu thống kê, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8/2024, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực với Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%...

Tính chung 8 tháng qua, IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 0,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ giảm 0,4%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,0%, làm giảm 0,9 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Cụ thể, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như Bắc Giang tăng 28,1%; Bình Phước tăng 17,2%; Thanh Hóa tăng 16,6%... Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so với cùng kỳ năm trước như Hà Tĩnh giảm 4,4%; Quảng Ngãi giảm 3,2%; Gia Lai giảm 1,6%.

Sớm đưa vào vận hành các công trình trọng điểm

Theo giới phân tích, những tháng cuối năm nay, Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại. Sản xuất trong nước tiếp đà đi lên cho thấy Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa công bố dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm 2024, cao hơn so với mức 5% năm 2023, sau đó sẽ lên mức 6,5% trong năm 2025, 2026.

Dù vậy, nền kinh tế vẫn phải đối diện với không ít khó khăn, khi tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; diễn biến lạm phát và triển vọng hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa rõ ràng; tăng trưởng thương mại toàn cầu mặc dù hồi phục nhưng chưa thể trở lại mức trước đại dịch.

Mặt khác, xung đột địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của một số đối tác thương mại lớn còn chậm. Đơn cử, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại khi GDP quý II chỉ tăng 4,7%, thấp hơn mức dự báo tăng 5,1% và thấp hơn mức tăng 5,3% trong quý I…

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương cho biết, để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, qua đó đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Bộ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...

Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc triển khai các công trình trong lĩnh vực dầu khí, nhất là các dự án trong điểm về dầu khí; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn; bám sát tình hình cấp than cho sản xuất điện để kịp thời tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ để xem xét, chỉ đạo các vấn đề phát sinh.

Mặt khác, Bộ Công Thương xác định tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến, chế tạo để mở rộng sản xuất. Theo đó, xử lý vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để thực hiện các dự án phát triển; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm công nghiệp như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ, ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc…), an toàn thực phẩm.

Song song với đó, Bộ Công Thương tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Ngoài ra, Bộ cũng trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; xem xét, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường cho ngành sản xuất trong nước như thép, phân bón, điện - điện tử

Quỳnh Hoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load