Năm 2014 được thành phố Hà Nội chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị" nhằm tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của từng người dân Thủ đô. Phóng viên Báo Nhân Dânđã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về nội dung này.
Thưa đồng chí, không phải ngẫu nhiên mà Chỉ thị đầu tiên của năm nay lại chọn nội dung về thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014"?
- Đúng vậy. Ngày 2-1-2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014". Những năm qua thành phố Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và tăng cường công tác quản lý, nâng cấp, chỉnh trang đô thị; thực hiện nhiều giải pháp chấn chỉnh kỷ cương pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội. Nhờ vậy, bộ mặt đô thị của Thủ đô ngày một hiện đại, khang trang, các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội được bảo tồn, phát huy; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và ý thức trách nhiệm của người dân được nâng lên.
Tuy nhiên, là những người dân đang sinh sống tại Thủ đô, chúng ta cũng không khó để nhìn ra những hạn chế, bất cập của đô thị Hà Nội hiện nay. Đó là hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều chỗ, nhiều nơi còn nhếch nhác, lộn xộn; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe trái phép, không phép diễn ra trên tất cả các tuyến phố. Nhiều nơi đường chưa thông, hè chưa thoáng, lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm, tình hình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông diễn ra phổ biến. Tình trạng ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, ý thức chấp hành các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh thương mại, du lịch, công sở, giữ gìn vệ sinh môi trường của một số tổ chức, cá nhân có nhiều lúc, nhiều nơi thực hiện không tốt đã làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô văn hiến, nét thanh lịch của người Hà Nội.
Để khắc phục tình trạng này, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội xác định chủ đề hành động của năm 2014 là "Năm trật tự và văn minh đô thị" với mục tiêu tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của từng người dân Thủ đô.
Phố Kim Mã, một trong những tuyến phố văn minh đô thị.
Trật tự và văn minh đô thị là một chủ trương lớn không dễ thực hiện. Vậy thành phố có đề ra các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện không, thưa đồng chí?
- Trật tự và văn minh đô thị là một chủ trương lớn, để thực hiện đạt kết quả không chỉ trong ngày một, ngày hai, mà cần tiến hành kiên trì, làm đâu chắc đó và làm từng bước một. Trong Chỉ thị, thành phố chỉ rõ những yêu cầu và những việc cần làm. Ba nhiệm vụ chính cần thực hiện trong "Năm trật tự và văn minh đô thị" là thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường để thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp; tăng cường trật tự an toàn giao thông, bảo đảm đường thông, hè thoáng và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Từ ba nhiệm vụ chính vừa nêu trên, thành phố đã cụ thể hóa những việc cần làm.
Như đồng chí đã nói ở trên, tình hình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông vẫn còn nhiều tuyến phố đường chưa thông, hè chưa thoáng, Hà Nội sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Tăng cường trật tự an toàn giao thông, bảo đảm đường thông, hè thoáng là một nhiệm vụ trọng tâm trong "Năm trật tự và văn minh đô thị". Thành phố đã đưa ra nhiều nội dung, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện nhiệm vụ này. Trước mắt sẽ rà soát việc tổ chức giao thông để thực hiện việc phân làn, phân luồng, sơn kẻ hướng dẫn giao thông, lắp đặt các biển báo theo đúng quy định, bảo đảm khoa học, thuận tiện và mỹ quan đô thị. Chấn chỉnh hoạt động của các bến xe, điểm đỗ xe tĩnh và trông giữ xe trên hè, lòng đường, thực hiện đề án cải tạo, chỉnh trang hè phố. Bên cạnh đó, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông, các tuyến đường vành đai, đường trục chính đô thị, các cầu qua sông, cầu vượt nhẹ với phương án tổ chức giao thông hợp lý nhằm phát huy tối đa hiệu quả của mạng lưới đường, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, thành phố sẽ làm gì để thay đổi ý thức của mỗi công dân?
- Theo tôi, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội có thành công hay không, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người dân. Trong năm nay, thành phố sẽ hoàn thành và triển khai Bộ quy tắc ứng xử người Hà Nội, đẩy mạnh thực hiện "Người Hà Nội thanh lịch văn minh" nhằm tạo sự chuyển biến thật sự trong giao tiếp ứng xử, nhất là trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở, văn hóa thương mại, cách giao tiếp nơi công cộng. Thành phố đã có những đợt ra quân vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, khi tham gia giao thông phải đi đúng làn đường. "Năm trật tự và văn minh đô thị" chúng ta tiếp tục làm mạnh hơn, quyết liệt hơn, phấn đấu để mỗi công dân sống trên địa bàn Thủ đô đều là những công dân văn minh, thanh lịch.
Thưa đồng chí, thành phố đề ra các giải pháp nào để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên?
- Thành phố đã đề ra ba giải pháp chủ yếu. Đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành pháp luật; Phát động các phong trào thi đua, tổ chức các đợt ra quân cao điểm và tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành và thực hiện các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm. Thành phố giao các sở chọn ra những nhiệm vụ trọng tâm, những khâu đột phá để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tạo sự chuyển biến rõ nét, hiệu quả. Mỗi quận, huyện, thị xã lựa chọn một số tuyến đường, tuyến phố để chỉnh trang hè, đường, yêu cầu nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, sắp xếp cửa hàng, cửa hiệu, để xe đúng vị trí quy định, xóa bỏ quảng cáo rao vặt...
Tuy nhiên, để thực hiện tốt "Năm trật tự và văn minh đô thị" đòi hỏi phải có sự đoàn kết, đồng thuận và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí của T.Ư, Hà Nội và các tầng lớp nhân dân. Bởi đây là một chủ trương lớn, nhưng trên thực tế, chủ trương đó có thành công hay không lại bắt đầu từ những việc rất nhỏ của người dân trong cộng đồng như đổ rác đúng nơi quy định, chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Chúng tôi rất mong muốn, qua Báo Nhân Dân và các cơ quan báo chí, thông tấn khác, các tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước, người nước ngoài khi đến với Hà Nội sẽ tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện để cùng chung sức, chung lòng xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò, vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thành phố Anh hùng.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
Theo Nhandan
Theo