Thứ tư 19/02/2025 20:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tăng tốc thu hút vốn đầu tư nước ngoài

08:35 | 16/02/2025

Trong tháng 1-2025, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.

Con số này thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ, đồng thời cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, nhất là khi kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục có nhiều biến động khó lường.

Nhìn lại năm 2024, dù chưa chạm tới mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhưng con số đạt được 38,23 tỷ USD là một thành tích đáng ghi nhận trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Điều quan trọng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bày tỏ mối quan tâm tới điểm đến Việt Nam.

Ngay trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến công du châu Âu, lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ lớn, như: Google, Siemens, Qualcomn, Ericsson…, đã chia sẻ và bày tỏ mong muốn đầu tư và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam đang kỳ vọng tăng tốc thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Phải khẳng định, cùng với kết quả đã đạt được và những cam kết của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, niềm tin của cộng đồng quốc tế vào sự ổn định và tiềm năng phát triển của Việt Nam là rất lớn; đồng thời cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách ưu đãi và hỗ trợ nhà đầu tư của Chính phủ đang phát huy hiệu quả.

Để tiếp tục thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2025, chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng; ổn định kinh tế xã vĩ mô; đẩy nhanh quá trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các quy trình cấp phép đầu tư, giảm thời gian xử lý hồ sơ, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng và minh bạch để tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nâng cấp các tuyến đường cao tốc, cảng biển, sân bay và đường sắt nhằm hỗ trợ lưu thông hàng hóa và dịch vụ. Phát triển hạ tầng số, thúc đẩy triển khai mạng 5G, xây dựng các trung tâm dữ liệu, cải thiện an ninh mạng để hỗ trợ nhà đầu tư công nghệ cao…

Ngoài ra, một giải pháp mang tính chiến lược là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, cần xây dựng các chương trình đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, sản xuất tự động hóa... Đặc biệt, cơ quan chức năng cần mời gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ đào tạo và phát triển kỹ năng cho lao động Việt Nam, hướng tới các ngành ưu tiên như trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học, các dự án thân thiện với môi trường...

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; đồng thời tích cực đàm phán và ký kết các hiệp định mới để mở rộng cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Ngoài ra, để tiếp tục nâng cao tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa của nền kinh tế Việt Nam ra thế giới, một giải pháp quan trọng mang tính “tự thân" chính là xây dựng thương hiệu quốc gia. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua các sự kiện quốc tế, diễn đàn đầu tư…, qua đó giúp nhà đầu tư quốc tế có ấn tượng về Việt Nam không chỉ là một thị trường mới nổi mà còn là điểm đến đầu tư đầy triển vọng, hấp dẫn và an toàn.

Theo Đoàn Nam/hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load