Thứ sáu 19/04/2024 20:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tăng lương có chống được tham nhũng?

08:41 | 23/07/2020

Có thể nói, để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước thì thay đổi chính sách tiền lương gần như là đương nhiên. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ!

tang luong co chong duoc tham nhung

Một trong những nội dung đang được quan tâm tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP do Bộ Nội vụ soạn thảo, đó là việc quản lý công chức, viên chức được chuyển dần sang quản lý theo vị trí việc làm và sẽ xếp lương ở ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó.

Điều này cũng phù hợp với tinh thần cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021 là “trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm” (Nghị quyết 27-NQ/TW).

Có vị lãnh đạo hoạt động trong lực lượng vũ trang từng chia sẻ với người viết rằng, dù kỷ luật rất mạnh nhưng anh vẫn gặp khó trong việc quản lý cấp dưới do “cứ đến kỳ là lên lương”nên nhân viên không có động lực phấn đấu.

Thậm chí, với tuổi đời còn trẻ, mang tiếng làm sếp và cáng đáng nhiều trọng trách nhưng lương của vị lãnh đạo này còn thấp hơn mức thu nhập của cấp dưới ở đơn vị!

Đó là những bất cập rất dễ thấy trong thực tế. Phải trải qua nhiều quá trình phấn đấu mới đạt được một chức vụ trong tổ chức, song đổi lại, mức lương không tương xứng, không chênh lệch là bao so với một công chức bình thường - nói gì thì nói, cũng “khó coi”!

Bên cạnh đó, với bộ máy cồng kềnh nhưng chính sách lương lại không phù hợp, đương nhiên sẽ khó tránh khỏi phát sinh các vấn đề tiêu cực.

Có một cụm từ mà xưa nay mà những người làm công chức, viên chức Nhà nước vẫn than vắn, thở dài với nhau, đó là “đồng lương ba cọc ba đồng”, ý nói khoản thu nhập không đáng là bao, nhiều khi không đủ sống.

Thế cho nên, để cải thiện thu nhập cuộc sống, không ít cán bộ, công chức đã có những cách “kiếm thêm” mà nhiều nơi vẫn gọi là “tham nhũng vặt”, thậm chí là tham ô tài sản công, nhận hối lộ, đút lót, vi phạm pháp luật… Hệ quả để lại không những gây thiệt hại cho đất nước mà còn làm méo mó hình ảnh người cán bộ, đảng viên; làm suy giảm niềm tin trong nhân dân.

Trao đổi trên báo chí vào hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, một trong những yêu cầu mà Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII về cải cách chính sách tiền lương chính là: “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương” (Báo Sài Gòn Giải phóng 13/1/2020).

Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định rằng, để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, tận tâm thi hành công vụ, phục vụ nhân dân, “không muốn tham nhũng” thì điều kiện cần là phải xây dựng và thực hiện chế độ chính sách bảo đảm cuộc sống bình thường.

“Việc xây dựng hệ thống lương thoả đáng cho cán bộ, công chức, nhất là các vị trí lãnh đạo cao cấp cũng góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng” (Thanh tra Chính phủ trả lời kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội do Ban Dân nguyện tổng hợp gửi các ĐBQH kỳ họp thứ 5).

Như vậy, có thể nói, để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước thì thay đổi chính sách tiền lương gần như là đương nhiên. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ!

Năm 2015, Phó Tổng một tập đoàn “tỷ đô” từng phải choáng váng với chiếc đồng hồ Patek Philippe Sky Moon Tourbillon 6002G mà Trịnh Xuân Thanh đeo - nó có giá lên tới 1,7 triệu USD tương đương khoảng 39 tỷ đồng (tính theo tỷ giá thời bấy giờ). Nhiều người ví von, ông ta đang đeo cả mấy chục căn nhà trên tay.

Tôi tin rằng, ở đâu đó sẽ vẫn còn có những Trịnh Xuân Thanh khác, với cuộc sống xa hoa khó tưởng tượng. Thế nên, đáp ứng một mức lương “sòng phẳng” với chức vụ thì cũng mới chặn được phần nào động lực “tham nhũng vặt” mà thôi. Còn tham nhũng lớn, để loại trừ tận gốc chắc chắn phải nằm ở cơ chế giám sát và công tác cán bộ.

Người xưa có câu nói: “Đường xa vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân”. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, trong sạch, hiệu quả; dọn được tiêu cực và tham nhũng… không thể ngày một ngày hai mà cần thời gian. Trong sự nghiệp đó, mỗi một bước tiến dù lớn hay nhỏ để đạt được mục tiêu này, cũng đều đáng trân trọng và cần cổ vũ!

Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load