(Xây dựng) - Tại Hội thảo "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu" do Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức ngày 4/5, các đại biểu đã cùng thảo luận các nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa kiêm Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phenikaa, nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, đến sự quan tâm và quyết liệt của Chính phủ trong việc ban hành chính sách hỗ trợ.
Ông Năng nhận định rằng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, khó đạt hiệu quả cao nếu triển khai một cách riêng lẻ. Vì vậy, cần thiết lập một mối liên kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữa “ba Nhà” - gồm cơ quan nhà nước, các viện/trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành. Sự hợp tác này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, đáp ứng tốt cả về số lượng lẫn chất lượng theo nhu cầu xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược phát triển ngành vi mạch bán dẫn một cách bài bản, trong đó đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Ông cho rằng Việt Nam cần có cách tiếp cận thấu đáo, kỹ lưỡng để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp này.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có nguồn nhân lực trong nước và kiều bào đang làm việc tại các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới. Đây là lợi thế cần được khai thác hiệu quả trong chiến lược đào tạo nhân lực, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam đang đứng trước thời cơ trở thành điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao vẫn là bài toán quan trọng, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.
Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao vai trò tiên phong của các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý rằng, việc đào tạo cần bám sát nhu cầu thực tế của thị trường, đảm bảo sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc.
Để đạt được mục tiêu này, chương trình đào tạo cần hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế, trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng về những công nghệ tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tế trong ngành bán dẫn để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Các đại biểu thảo luận xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Hội thảo "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu". |
Tại hội thảo, các đơn vị, doanh nghiệp và trường đại học đã ký kết biên bản hợp tác, trong đó nổi bật là sự hợp tác giữa Trung tâm Phenikaa đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn (thuộc Trường Đại học Phenikaa) với các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn.
Hoạt động này nhằm khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, đồng thời thống nhất kế hoạch hành động và đầu tư với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời, sự hợp tác này còn hướng đến thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần tăng cường hiệu quả liên kết với các doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành chip bán dẫn.
Huyền Nhi
Theo