Chủ nhật 22/12/2024 13:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tăng cường kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp

08:24 | 13/07/2024

(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan có các giải pháp tăng kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo.

Tăng cường kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 4900/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc tăng cường kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 4900/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc tăng cường kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ có Báo cáo số 2614/BC-VPCP ngày 05/7/2024, trong đó tóm tắt bài viết "Kiểm soát chặt để hạn chế doanh nghiệp "ma"", đăng trên Báo Người Lao động ngày 01/7/2024, như sau: Kiểm soát chặt để hạn chế doanh nghiệp "ma". Từ vụ việc một người đứng tên đại diện pháp luật 116 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian ngắn, báo chí đặt vấn đề về kẽ hở khá lớn về mặt pháp lý trong quy trình thành lập doanh nghiệp:

(1) Cơ quan đăng ký kinh doanh không phát hiện hoặc phát hiện nhưng không kịp thời ngăn chặn việc một cá nhân dùng một căn cước công dân để lập 116 doanh nghiệp trong thời gian rất ngắn.

(2) Việc cho phép một cá nhân thành lập bao nhiêu doanh nghiệp cũng được là chưa hợp lý - cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh doanh.

Ý kiến luật sư cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu bổ sung quy định về việc hạn chế số lượng doanh nghiệp mà một cá nhân được phép thành lập, đứng tên đại diện trong cùng một thời gian nhất định. Ví dụ, mỗi năm, một người chỉ được thành lập tối đa 2 - 5 doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có quy định cá nhân chỉ được phép thành lập doanh nghiệp mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp cũ không còn hoạt động.

Ngoài ra, cần triển khai các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, như liên thông hệ thống điện tử cá nhân và đăng ký doanh nghiệp để chống gian lận; bổ sung nội dung thông tin đã thành lập bao nhiêu doanh nghiệp đối với người đăng ký kinh doanh. Mặt khác, cần ứng dụng công nghệ để tra cứu, xác minh thông tin về địa chỉ, hoạt động kinh doanh, nhân sự đối với những trường hợp thành lập từ 2 doanh nghiệp trở lên; nếu thấy bất thường thì có thể xác minh, điều tra ngay để hạn chế tiêu cực, thiệt hại.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo như sau: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan khẩn trương nắm bắt, xác minh thông tin báo chí phản ánh; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định của pháp luật, có các giải pháp tăng kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo; báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Khánh Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load