(Xây dựng) - Triển khai dự án tận dụng nhiệt thừa để phát điện giúp DN giảm chi phí năng lượng, giảm phát thải carbon, đem lại lợi ích trực tiếp nhưng đến nay, việc triển khai còn chậm trễ.
23 dây chuyền chưa lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt thừa
Theo định hướng Chiến lược phát triển ngành VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg, đến hết năm 2025, 100% dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt, vận hành hệ thống phát điện, tận dụng nhiệt khí thải để phát điện.
Hiện cả nước có 87 dây chuyền sản xuất, với tổng công suất 105 triệu tấn; dự kiến, năm 2022 sẽ có thêm 3 dây chuyền mới đi vào vận hành, với công suất 8,8 triệu tấn. Theo báo cáo ngành Xi măng năm 2021, hết năm 2021, có 25 dây chuyền xi măng hoàn thành lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt thừa phát điện và 11 dây chuyền đang đầu tư. Như vậy, còn 23 dây chuyền cần phải lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt thừa phát điện theo quy định, thời gian chỉ còn gần 3 năm để hoàn thành, là thách thức không nhỏ.
Theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), những dự án xi măng đầu tư gần đây đều đầu tư lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt thừa trong quá trình xây dựng nhà máy. Riêng các dự án chưa đầu tư, sẽ phải hoàn thiện đầu tư lắp đặt hệ thống này trong gần 3 năm tới.
Các dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện đã vận hành phải kể đến: VICEM Hà Tiên 2; Chinfon 1 và 2 tại Hải Phòng (vận hành từ năm 2014), Insee - Kiên Giang (năm 2012), Xi măng The Vissai 3 và 4 tại Hà Nam (năm 2016), Vissai Ninh Bình 1 và 2 (năm 2018), 3 dây chuyền của Xi măng Thành Thắng, 3 dây chuyền của Xi măng Long Sơn; Xi măng Xuân Thành…
Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn đang triển khai dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải dây chuyền 1 và 2 để phát điện. Hiện DN đã ký hợp đồng gói thầu số 1 cung cấp thiết kế, thiết bị, vật tư, dịch vụ kỹ thuật, gia công chế tạo, lắp đặt mua sắm trong nước với Liên danh Nhà thầu SINOMA-AMECC. Thời gian thực hiện 15 tháng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp VICEM Bút Sơn tự chủ khoảng 20 - 30% lượng điện tiêu thụ, hạn chế phát thải khí, bụi và nhiệt ra môi trường.
Giá vật tư tăng cao, đấu thầu gặp khó
Ông Đỗ Tiến Trình - Tổng giám đốc VICEM Bút Sơn chia sẻ: Sau khi có chủ trương của Nhà nước, Bộ Xây dựng, Tổng công ty VICEM; VICEM Bút Sơn khẩn trương triển khai dự án. Được quyết định đầu tư và triển khai đấu thầu từ tháng 12/2019, nhưng do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, gói thầu số 1 được đấu thầu 2 lần nhưng không thành công, không lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu dự án. Đến ngày 29/6/2022, Hội đồng quản trị VICEM Bút Sơn đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Ông Lê Hữu Hà - Phó tổng giám đốc Tổng công ty VICEM nhấn mạnh: VICEM đang rà soát các dây chuyền sản xuất. Hiện VICEM đang tập trung cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt, đổi mới công nghệ ở một số dây chuyền. Cải tạo xong, chúng tôi tính toán phần nhiệt thừa để triển khai các dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện. Theo quy hoạch điện lực, phải có quy hoạch điện lực địa phương, các nhà máy đang hoàn thành bổ sung quy hoạch.
“Do giá cả vật tư đầu vào tăng nên chi phí đầu tư tăng, đấu thầu gặp khó, VICEM và các đơn vị thành viên đang rà soát, tính toán lại. Nhưng VICEM quyết tâm từ nay đến năm 2025 sẽ lắp đặt xong” - lãnh đạo VICEM khẳng định.
Không có “đường lùi”
Ngày 14/7/2021, Ủy ban châu Âu đề xuất chính sách thuế biên giới carbon, áp dụng cho thép, xi măng, phân bón, nhôm và điện từ năm 2026, sau một giai đoạn thử nghiệm từ năm 2023. Các nhà nhập khẩu xi măng phải có chứng chỉ số, mỗi chứng chỉ đại diện cho một tấn khí thải carbon dioxide.
Đồng nghĩa, từ năm 2023, xuất khẩu xi măng sang thị trường Mỹ, EU... sẽ khó khăn hơn, do bị áp thuế phát thải carbon. Yêu cầu này buộc các DN xi măng Việt Nam phải đẩy mạnh việc lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt thải, tận dụng nhiệt thừa để phát điện, góp phần giảm thiểu phát thải carbon.
Tận dụng nhiệt thừa giúp DN tiết kiệm chi phí điện, giảm phát thải ra môi trường, trên nguyên lý: Toàn bộ lượng khí nóng từ tháp trao đổi nhiệt (nhiệt độ khoảng 320 - 3500C) được dẫn vào hệ thống tháp thu nhiệt, đưa đến turbine. Hơi nước giãn nở trong ống tăng tốc (cánh tĩnh của turbine) để tăng động năng, sau đó đập vào cánh động của turbine, làm turbine quay và sinh công, chạy máy phát điện.
Trong bối cảnh thị trường xi măng dư cung cao, cạnh tranh gay gắt, các dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện được đầu tư sẽ giúp DN lợi cả về kinh tế và môi trường, giúp giảm phát thải carbon. Các DN muốn xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh và mở rộng thị trường thì không có “đường lùi”, buộc phải triển khai dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện càng sớm càng tốt.
Vũ Huyền
Theo