(Xây dựng) - Trong lễ nhập trạch vào nhà mới, điều không thể thiếu là gia chủ phải mang bếp vào để đun nước pha trà. Tuy nhiên, phải là bếp có ngọn lửa chứ không phải bếp điện hay bếp từ. Tại sao lại như vậy?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Theo phong tục, một trong những thủ tục khi làm lễ nhập trạch vào nhà mới là đến giờ tốt, nếu gia đình có đầy đủ vợ chồng, con cái thì đầu tiên là vợ gia chủ cầm một cái gương tròn đem vào nhà trước (mặt gương chiếu vào nhà). Kế đến là gia chủ tự tay bưng bát nhang thờ tổ tiên vào đặt lên ban thờ. Sau đó, lần lượt những người trong nhà đem bếp lửa, chiếc chiếu, gạo, nước, muối, đồ tư trang quý giá…vào nhà. Tuy nhiên, điều quan trọng đó phải là chiếc bếp có ngọn lửa, chứ không được mang bếp điện, bếp từ. Tại sao lại như vậy?
Chiếc gương tròn quay mặt vào nhà có tính chất khai quang, mang lại ánh sáng cũng đồng thời là sinh khí cho ngôi nhà mới, xua đuổi tà ma, ám khí. Bát hương để thờ các vị thần và các quan cai quản khu vực riêng và thờ tổ tiên của gia chủ. Lễ nhập trạch chính là nghi lễ thông báo với các vị thần, quan sở tại ở khu đất về việc gia chủ chuyển đến đó sinh sống, mong được phù hộ độ trì cho cuộc sống tại nơi ở mới được bình an, thuận lợi… Đó là những việc làm quan trọng, tuy nhiên lại thuộc về thế giới tâm linh.
Chiếc bếp là vật thứ ba mang vào nhà mới, tượng trưng cho của cải vật chất là những thứ nuôi sống con người, tượng trưng cho sự no đủ. Nó thuộc về thế giới vật chất nhưng lại quan trọng hàng đầu vì nó nuôi sống con người, duy trì cuộc sống và mang lại sức khỏe cho gia chủ. Bếp là nơi duy nhất trong ngôi nhà có một vị thần cai quản riêng, đó là Táo Quân, tức là thần bếp.
Vì vậy, chiếc bếp vừa tượng trưng cho thế giới vật chất, lại vừa mang ý nghĩa thiêng liêng về mặt tâm linh. Nhưng ngay cả thần bếp - Táo Quân cũng khác với các vị thần khác, đó là vị thần vừa thuộc về thế giới tâm linh, vừa thuộc về cuộc đời trần thế, rất gần gũi với con người. Gần gũi đến mức, chưa có vị thần nào mà con người lại dám bông đùa như thế: “Ông Công, ông Táo dạo chơi xuân/ Đội mũ, đi hia, chẳng mặc quần”.
Táo Quân là thần bếp, nhưng thực chất là thần lửa. Vì bếp là nơi lưu giữ ngọn lửa làm chín thức ăn, cũng là nơi có ngọn lửa sưởi ấm và kết nối, duy trì một gia đình. Không phải bỗng dưng mà người ta gọi một nếp nhà, một gia đình là “mái ấm”.
Theo phong thủy, bếp điện, bếp từ chỉ có “tinh” mà không có “tướng”, tức chỉ có “nhiệt” mà không có “ngọn lửa”. “Tinh” là tinh thần, là cái hồn cốt, cái bản chất bên trong, còn “tướng” là cái biểu hiện ra bên ngoài, cái để “tinh” thể hiện. Tinh là nhiệt, muốn làm chín thức ăn cần phải có nhiệt. Như đã nói ở trên, bếp vừa là tượng trưng cho tinh thần với vị thần cai quản riêng, nhưng cũng là biểu hiện cụ thể của vật chất với những thứ nuôi sống con người. Vì vậy mà cái bếp mang vào nhà mới cần phải đáp ứng cả hai giá trị đó, nói một cách nôm na thì nó vừa phải đun chín thức ăn nhưng vẫn phải biểu hiện ra bằng hình hài cụ thể là ngọn lửa.
Nói rộng ra một chút, trời sinh ra khí là hồn cốt của mọi vật; nhưng mọi vật lại phải thể hiện trong những hình hài cụ thể thì mới trở thành một thực thể. Mà muốn thế thì cần phải có đất để cho khí tượng hình. Cũng chính vì thế mà tiền nhân mới có câu: Cha sinh không tày mẹ dưỡng.
Nói dông dài như thế để chốt lại trả lời câu hỏi ban đầu đặt ra: Khi vào nhà mới trong lễ nhập trạch, sau chiếc gương để khai quang nhà và bát hương để thần linh ngự thì vật thứ ba là cái bếp, và cái bếp đó phải là cái bếp có ngọn lửa.
Dân gian có câu: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”; còn thời mới có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, hoàn toàn không phải là vô cớ. Điều đó cũng lý giải tại sao trong lễ nhập trạch, người đầu tiên bước vào nhà mới là người vợ chứ không phải người chồng, mặc dù người đàn ông mới là chủ nhà.
Khi bếp nhà không còn đỏ lửa thì cũng có nghĩa gia đình đó đang không còn là một mái ấm.
Tuệ Linh
Theo