(Xây dựng) - Bếp cũng được xem là nơi “hậu cung”, vì vậy phòng bếp thường được đặt ở gian trong cùng hoặc có thể sử dụng một quầy bar chắn giữa bếp và phòng khách, không chỉ tạo sự phân lớp không gian kiến trúc mà còn đảm bảo sự kín đáo.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Vị trí đặt bếp
Theo phong thủy, không nên bố trí phòng bếp quá lộ liễu, nghĩa là từ bên ngoài có thể nhìn thẳng qua cổng, qua cửa chính của nhà vào bếp hoặc từ phòng khách nhìn thẳng vào bếp.
Tuy nhiên cũng không được đặt bếp ở vị trí trung tâm của nhà. Theo quan niệm của phong thủy, đặt bếp ở vị trí Trung cung hoặc Thượng tâm của ngôi nhà là điều tối kỵ. Bởi vì Trung cung là nơi mà mạch Khí phải được ổn định và bình an, nếu đặt nhà bếp ở cung này sẽ mang lại sự xáo trộn về sức khỏe và những khó khăn triền miên cho những người cư ngụ.
Vị trí tốt nhất để đặt gian bếp là thật sâu trong căn nhà. Nếu có điều kiện về không gian, diện tích thì nên bố trí một phòng phía sâu sau nhà để làm gian bếp, một mặt của nhà bếp nên nhìn về chỗ thoáng của ngôi nhà như sân sau nhà, ban công, khoảng trống bên hông nhà… sẽ mang lại may mắn, phúc lộc cho gia chủ.
Bố trí phòng bếp cũng cần tránh đối diện hoặc áp tường với phòng ngủ hoặc khu vệ sinh, phòng tắm. Điều này cũng dễ hiểu bởi bếp là nơi nấu nướng phát sinh nhiệt nên rất nóng bức. Khi đun nấu, bếp còn tỏa ra mùi thức ăn, khói dầu mỡ không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, nếu để phòng bếp đối diện với phòng ngủ sẽ ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, giấc ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe của người trong phòng đó.
Còn khu vệ sinh vừa là nơi ẩm thấp vì sử dụng nước thường xuyên rất kiêng kị với nhà bếp, lại là nơi có nhiếu xú uế sẽ ảnh hưởng đến đồ ăn khi chế biến, đun nấu…, về lâu dài đều không tốt cho sức khỏe. Bếp là nơi nấu nướng đồ ăn thức uống cho cả gia đình, vì vậy không gian nhà bếp cần phải giữ vệ sinh, nếu không thì bệnh tật sẽ vào người qua đường ăn uống, làm hại đến sức khỏe, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhà vệ sinh có rất nhiều thứ bẩn và vi trùng vì vậy bếp nấu không nên đặt gần nhà vệ sinh. Đặc biệt cửa bếp không đặt đối diện với nhà vệ sinh.
Những điều kiêng kị đối với bếp
Khi thiết kế, nhà phong thủy cũng khuyên cần tránh để sát khí từ các góc nhọn chiếu vào bếp. Đồng thời, những dụng cụ sắc nhọn như dao kéo nên đựng trong hộp tránh để lộ ra bên ngoài. Bếp cũng cần tránh đặt dưới các thanh dầm hoặc dưới gầm cầu thang khiến cho khí bị đè nén sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, công việc kinh doanh cũng dễ bị bế tắc, không hanh thông. Cũng tránh đặt bếp đun ngay dưới xà ngang vì theo khoa học phong thủy, nếu xà ngang áp trên bếp sẽ khiến gia chủ hao tài tốn của.
Ngoài ra, đối với nhà cao tầng nên tránh kê giường ngủ thẳng ngay trên bếp nấu, vì như thế dễ làm cho người ngủ bồn chồn không yên, dễ nảy sinh tâm lý nóng nảy. Và một điều tối kỵ đó là chân bếp bị gập ghềnh, nghiêng lệch.
Phong thủy cho rằng, bếp nên tựa vào tường, sau bếp không nên là khoảng không (không có tường kín) thì lộc tài của gia chủ mới giữ vững được. Nếu như ở phía sau bếp là cửa chính, để cho ánh sáng mặt trời chiếu qua cũng không tốt, như vậy sẽ bất lợi cho phúc lộc của gia chủ. Sách xưa đã nói: “Cửa bếp nấu nướng nên kiêng cho ánh sáng chiếu vào”. Vì thế không nên đặt bếp ở vị trí trống trải, không có tường ở phía sau lưng bếp.
Kiêng đặt bếp ở vị trí nhiều gió. Nhà bếp phải được đặt ở vị trí tránh gió, phong thuỷ gọi là “tàng phong tụ khí”, nghĩa là nơi đặt bếp lửa nên tránh gió để được tụ khí. Nếu nhà bếp mà nhìn thẳng ra cửa chính hoặc phía sau bếp có cửa sổ là nơi lộng gió, rất không tốt về mặt phong thủy.
Tuy nhiên, nhà bếp là nơi rất quan trọng trong một gia đình do đó không khí gian bếp rất cần sự thoáng đãng, vì thế trong gian bếp nên đặt quạt thông gió hoặc máy hút khói dầu để làm sạch không khí sau khi nấu ăn, tạo không khí thoáng đãng, sạch sẽ cho gian bếp.
Tuệ Linh
Theo