(Xây dựng) - Bếp là nơi nuôi sống gia chủ, là yếu tố quan trọng nhất của mọi nhà nên cần phải “tàng phong tụ khí” thì mới có lợi. Vậy, làm thế nào để bếp được “Tàng phong tụ khí”?
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Dân gian có câu: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”; lại có câu: “Đàn ông quản nhà, đàn bà quản bếp”.
Về tâm linh, bếp là nơi Táo quân ngự và ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Thần về Thiên đình để tâu trình mọi việc với Ngọc Hoàng. Hóa ra, Người cai quản bếp nhưng lại thâu tóm mọi việc của gia chủ. Như vậy, chẳng phải rằng bếp là nơi quan trọng nhất trong bất cứ ngôi nhà nào hay sao?
Trong cuộc sống, bếp là nơi cung cấp thực phẩm, đồ ăn thức uống… “Thiếu đủ hỏi thủ kho, đói no hỏi nhà bếp”, như vậy bếp là nơi nuôi sống con người về thể chất. Bữa cơm hằng ngày lại là nơi sum họp, duy trì hơi ấm, ngọn lửa hạnh phúc trong mỗi nếp nhà, bếp lại là nơi nuôi dưỡng tình cảm trong gia đình. Bếp đối với người Việt lại càng quan trọng. Vì vậy, bếp là biểu tượng của sự bền vững, của nền nếp trong gia đình, cũng là tượng trưng cho sự no đủ, tượng trưng cho của cải trong nhà. Chính vì thế mà bất cứ ai khi xây dựng hoặc đi mua nhà, một trong những vấn đề quan tâm đầu tiên là không gian bếp.
Tóm lại, bếp là nơi tượng trưng cho của cải, là nơi duy trì ngọn lửa sưởi ấm cho mỗi nếp nhà nên bếp còn cần phải có yếu tố trung hòa được Thiên và Nhân, đó chính là Địa lợi. Muốn vậy, theo phong thủy bếp phải được tàng phong tụ khí.
Bếp “tàng phong tụ khí”
Theo phong thủy, bố trí phòng bếp phải bảo đảm “tàng phong tụ khí”, tức là bếp phải là nơi yên tĩnh, kín đáo, tránh các luồng gió thổi trực tiếp hoặc tránh gió lùa, nhưng lại phải thông thoáng. Do đó, phòng bếp cần phải đặt ở nơi bảo đảm ánh sáng hài hòa, phải có cửa thông gió, cao ráo, sạch sẽ nhưng phải tránh gió và tránh bố trí lối đi lại qua gian bếp, vì như thế sẽ làm tán khí.
Bản chất của Phong thủy suy cho cùng gói gọn ở một chữ “KHÍ”. Bản chất của khí lại gói gọn trong một câu, đó là “gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng”. Nhưng lại có câu: “Cổ nhân làm sao cho khí tụ chứ không tán, nước chảy có chỗ dừng”.
Như vậy, khí muốn tụ thì phải không có gió, vì gặp gió thì tán. Thế mà phong thủy lại bảo bếp cần có gió (tàng phong) là sao?
Thực ra, ở đây không hề có gì mâu thuẫn. Bởi muốn “Tụ” thì trước tiên phải có “khí”. Mà muốn có khí thì khí phải vận được, khí không tự dưng có ở trong nhà, trong bếp. Muốn vận được thì khí phải thông, tức phải có đường cho khí di chuyển và nhờ vào phong (gió) đưa khí đi. Như vậy, phong ở đây đóng vai trò dẫn khí. Nhưng dẫn khí xong rồi thì phong ẩn đi để khỏi tán khí nên gọi là tàng phong.
Thực ra, nguyên tắc phong thủy này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế. Bếp là nơi nấu nướng, là chuyện hoàn toàn riêng tư trong mỗi gia đình không nên phô phang với bên ngoài, vì vậy cần nơi kín đáo. Không gian bếp kín đáo cũng là để bảo đảm an toàn cho thức ăn, tránh bị các yếu tố bên ngoài tác động làm cho thức ăn biến chất gây hại, thậm chí có thể bị ngộ độc hay bị đầu độc.
Bếp là nơi chế biến thức ăn, vì vậy cần tĩnh để người nấu bếp tập trung vào công việc, tránh bị ngoại cảnh tác động có thể làm giật mình gây nguy hiểm (như bị đứt tay, bị bỏng hay quá tay khi nêm gia vị…). Cũng vì thế nên không gian bếp cần đủ sáng để có thể chế biến, đun nấu được chuẩn chỉ.
Bếp có củi lửa nên cần tránh gió thổi trực tiếp và tránh bố trí trên lối đi vì gió sẽ làm tạt ngọn lửa, nhẹ thì ảnh hưởng đến việc đun nấu, nghiêm trọng có thể gây hỏa hoạn. Chính vì thế, trên thực tế, người ta thường bố trí bếp ở phòng trong cùng của căn nhà hoặc ở góc khuất của căn hộ là vì lẽ đó. Nhưng bếp cần thông thoáng để không bị đọng mùi thức ăn. Vì thế trong gian bếp nên đặt quạt thông gió hoặc máy hút mùi làm sạch không khí sau khi nấu ăn để tạo cho gian bếp trong lành và sạch sẽ.
Bếp đạt được các yêu cầu trên sẽ giúp cho khí vận hành thông suốt và có điểm dừng để tụ lại, mang may mắn, sức khỏe và tài lộc đến cho gia chủ.
Tuệ Linh
Theo